Thành phố Hồ Chí Minh: Gỡ vướng cho doanh nghiệp FDI

Kinh tế - Ngày đăng : 07:24, 01/09/2021

(HNM) - Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có thể mất thêm một thời gian mới kiểm soát được, thành phố Hồ Chí Minh xác định quan điểm luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp gỡ vướng, giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi cung ứng.

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong dịch Covid-19. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Mtex Việt Nam, khu chế xuất Tân Thuận (quận 7).

Phát sinh chi phí hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng

Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Intel Việt Nam) đang hoạt động tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng khi đảm nhận sản lượng lớn các sản phẩm bán dẫn của toàn Tập đoàn Intel, xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Trong nửa đầu năm nay, sản lượng xuất khẩu của công ty đạt 6,7 tỷ USD, chiếm hơn 64% tổng giá trị xuất khẩu của khu công nghệ cao và chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu của cả thành phố. Giám đốc đối ngoại Intel Việt Nam Hồ Thị Thu Uyên cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính từ ngày 15-7 đến 15-8, chi phí phát sinh của công ty là 140 tỷ đồng, điều này ảnh hưởng đến ngân sách cũng như kế hoạch hoạt động của công ty.

Còn Giám đốc tài chính Công ty TNHH Jabil Việt Nam (doanh thu xuất khẩu hơn 1 tỷ USD/năm) Lê Hữu Bình thông tin, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện công ty chỉ duy trì khoảng 30% lao động trong tổng số 8.600 lao động. Với phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”, công ty phát sinh chi phí 120 tỷ đồng/tháng. “Vì hoạt động chỉ duy trì ở mức tối thiểu nên công ty không thể giao hàng đúng hạn cho khách hàng theo hợp đồng, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng rất cao. Hiện, giá trị hợp đồng của công ty đã mất khoảng 200 triệu USD”, ông Lê Hữu Bình chia sẻ.

Trước hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, phần lớn đề xuất của các doanh nghiệp FDI với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh là làm sao để duy trì được sản xuất ở mức cao nhất có thể trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam Trần Tiến Phát cho hay: "Chúng tôi chỉ mong chuỗi cung ứng không bị phá vỡ để hoạt động sản xuất được bảo đảm ổn định". Còn Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) - bà Mary Tarnowka cho biết, doanh nghiệp Hoa Kỳ sẵn sàng phối hợp với chính quyền thành phố để thúc đẩy lộ trình phục hồi kinh tế và khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất trong điều kiện an toàn.

Nhiều giải pháp “tiếp sức”

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, việc duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp FDI cũng như giữ vững sức hút trong đầu tư nước ngoài luôn được thành phố đặc biệt quan tâm, đặc biệt với những dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn thành phố (10.269 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 49,1 tỷ USD)...

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, để hỗ trợ, “tiếp sức” doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, thành phố Hồ Chí Minh đang cho phép doanh nghiệp thực hiện 4 phương án sản xuất gồm: “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc “3 tại chỗ theo kíp” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất); cả “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” (1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung); “4 xanh” (nhân lực xanh - cung đường xanh - vùng sản xuất xanh - nơi ở xanh). Ngoài ra, thành phố cho phép các doanh nghiệp FDI được sáng tạo, áp dụng linh hoạt các phương án sản xuất khác, phù hợp với thực tế của mỗi doanh nghiệp, miễn là bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, hiện thành phố đang phân loại các nhóm doanh nghiệp theo thứ tự ưu tiên để tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt đối với nhóm ngành xuất khẩu chủ lực, đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD/năm trở lên. Thành phố cũng hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tránh thiếu hụt lao động khi hoạt động sản xuất được khôi phục. Về vấn đề tiêm vắc xin phòng Covid-19, hiện có hơn 85% trong tổng số 286.000 lao động và 3.000 chuyên gia tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố đã được tiêm chủng mũi thứ nhất.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, cộng đồng doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, thành phố luôn lắng nghe, chia sẻ, và thời gian tới sẽ triển khai nhiều giải pháp để tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp FDI, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành với khối doanh nghiệp quan trọng này trong việc phục hồi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Lê