Hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch

Xe++ - Ngày đăng : 06:53, 02/09/2021

(HNM) - Hệ thống robot y tế vận chuyển Vibot - một sản phẩm thiết thực của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng Học viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng) đã trở thành những tình nguyện viên hỗ trợ đắc lực cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Sử dụng robot Vibot không cần mặc đồ bảo hộ, không có khả năng lây nhiễm và làm việc bền bỉ 24/24 giờ.

Robot Vibot-2 vận chuyển đồ ăn đến từng phòng phục vụ bệnh nhân Covid-19.

Robot Vibot thông minh, hoạt động hiệu quả

Dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến thể mới có khả năng lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, khiến đội ngũ y tế nơi tuyến đầu phải đối mặt với nhiều rủi ro. Vì thế, việc tìm ra những giải pháp công nghệ tiên tiến giúp giảm thiểu nguy cơ cho lực lượng này đã được ưu tiên. Một trong những “trợ thủ” phát huy hiệu quả cao nhất chính là các robot.

Tại Việt Nam, việc thúc đẩy nghiên cứu các sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng trong y tế để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu cũng đã được đẩy mạnh ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Tháng 4-2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng Học viện Kỹ thuật quân sự triển khai Đề tài khoa học và công nghệ độc lập cấp Nhà nước: “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống robot y tế vận chuyển trong khu cách ly bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao - Vibot”.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự, được Bộ Khoa học và Công nghệ tín nhiệm, Học viện Kỹ thuật quân sự đã khẩn trương triển khai thực hiện đề tài. Các chức năng chính đặt ra cho Vibot là thay thế nhân viên y tế vận chuyển các giá đựng đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm và các đồ vật khác từ khu vực tập kết (ở ngoài khu cách ly) đến các buồng bệnh (trong khu cách ly) để cung cấp cho người bệnh; vận chuyển giá đựng rác đến các buồng bệnh để nhận rác và vận chuyển ra khu tập kết rác thải; di chuyển đến các buồng bệnh giúp y, bác sĩ, người nhà (ở ngoài khu cách ly) giao tiếp từ xa với bệnh nhân.

Đề tài được triển khai theo 2 giai đoạn với các yêu cầu khác nhau. Giai đoạn 1, yêu cầu trong vòng một tháng phải thiết kế, chế tạo được hệ thống Vibot-1, gồm 1 trung tâm giám sát, điều khiển và 1 robot di chuyển theo đường dẫn có từ tính, nhằm hỗ trợ hoặc thay thế một phần nhân viên y tế trong một không gian hạn chế. Hệ thống robot y tế vận chuyển giai đoạn 2 (Vibot-2), gồm 5 robot và 1 trung tâm giám sát, điều khiển, được thiết kế, chế tạo với nhiều tính năng thông minh hơn, như: Khả năng phát hiện và dừng hoặc vòng tránh các loại vật cản cố định và di động để đến được các vị trí đã được xác định trước; khả năng phối hợp giữa các robot khi thực hiện cùng một nhiệm vụ trên cùng một sàn…

Ngoài ra, ở phiên bản Vibot-2, hệ thống còn được phát triển thêm 2 giao thức điều khiển robot là giám sát, điều khiển robot từ thiết bị cầm tay có kết nối wifi hoặc điều khiển trực tiếp trên màn hình của robot.

Trợ thủ đắc lực của nhân viên y tế

Cuối tháng 5-2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang, hệ thống robot Vibot-2 đã được triển khai tại khu vực điều trị bệnh nhân F0 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Trong hơn một tháng cao điểm (từ ngày 1-6 đến đầu tháng 7-2021), hệ thống robot Vibot-2 đã hỗ trợ điều trị hàng trăm bệnh nhân F0, góp phần giảm tải cho nhân viên y tế, phòng tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly.

Không dừng ở đó, đầu tháng 8-2021, khi tình hình dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu diễn biến rất phức tạp, hệ thống robot Vibot-2 lại nhanh chóng lên đường triển khai tại Bệnh viện Dã chiến số 7 (phường An Khánh, thành phố Thủ Đức). Tại đây, hệ thống robot Vibot-2 tiếp tục cho thấy khả năng hoạt động trơn tru, thể hiện được hết các chức năng thiết kế và mục tiêu đặt ra, như vận chuyển thức ăn, đồ dùng cho bệnh nhân, vật dụng y tế từ ngoài vào khu cách ly và ngược lại.

Đánh giá về hệ thống robot Vibot-2 đang triển khai tại Bệnh viện dã chiến số 7, bác sĩ Trần Minh Tuấn (Bệnh viện Quân y 175) cho biết: “Trước đây, khi chưa có robot hỗ trợ, mỗi ngày, một nhóm dân quân tự vệ (6-7 người) sẽ mất gần 2 giờ đồng hồ để phát cơm cho khoảng 10 tầng lầu của bệnh viện. Hiện tại, mỗi con robot sẽ phụ trách 4-5 lầu, hoạt động liên tục trong khoảng một giờ đồng hồ là có thể phát hết cơm cho các phòng bệnh”.

Chị Hoàng Ái My, bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 7 chia sẻ, việc phát cơm hằng ngày bằng robot rất tiện lợi, giúp y, bác sĩ và bộ phận phục vụ đỡ mất sức, tiết kiệm được thời gian hơn; đồng thời, hạn chế được việc tiếp xúc gần F0, giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Tiến sĩ Đỗ Quốc Quang, thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá cao nhóm thực hiện đề tài. Theo ông, đây là một nhiệm vụ khó khăn do tính chất không chỉ phức tạp ở vấn đề kỹ thuật, mà cả trong công tác tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, chỉ trong 16 tháng, nhóm đề tài đã thực hiện rất xuất sắc các nội dung đặt ra, trong đó có rất nhiều nội dung vượt yêu cầu mong đợi. Đặc biệt, kết quả triển khai thử nghiệm hệ thống robot vào thực tế hỗ trợ các bệnh nhân Covid-19 trong các khu cách ly đã được đánh giá khá tốt.

Kết quả thực hiện Đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo robot y tế vận chuyển trong khu vực cách ly bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao” và hiệu quả ứng dụng của hệ thống robot Vibot vào thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19 đã cho thấy tầm nhìn chiến lược, sự định hướng đúng đắn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đồng thời thể hiện năng lực, sự quyết tâm của các nhà khoa học tại Học viện Kỹ thuật quân sự trong việc triển khai kịp thời các nhiệm vụ khoa học và công nghệ mang tính công nghệ cao vào hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh nói riêng cũng như trong định hướng phát triển khoa học, công nghệ của đất nước nói chung.

Hiện, Vibot-2 đang được cải tiến để đo chỉ số trong máu và thân nhiệt của bệnh nhân cũng như sẽ được sản xuất và cung cấp nhiều hơn nhằm hỗ trợ cho tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.

Thu Hằng