Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát một số công trình dự án trọng điểm tại Phú Yên
Kinh tế - Ngày đăng : 14:01, 08/01/2023
* Thủ tướng Chính phủ đã khảo sát thực tế tại khu vực Bãi Gốc ở xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu bến Bãi Gốc - Đông Hòa, có chức năng phục vụ trực tiếp nhu cầu hình thành và phát triển khu công nghiệp Bãi Gốc, liên hợp lọc dầu, luyện kim và ngành năng lượng, có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí. Với cỡ tàu là tàu tổng hợp trọng tải đến 50.000 tấn và các tàu chuyên dùng phát triển phù hợp theo nhu cầu thị trường, khả năng huy động vốn của nhà đầu tư.
Khu vực cảng Bãi Gốc, cách mép bờ 20 mét, mực nước cảng có độ sâu khoảng từ 20m - 25m. Cảng Bãi Gốc có diện tích 220ha, trong đó đã thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 134ha; phần diện tích còn lại 86ha là diện tích của mặt nước. Tỉnh Phú Yên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép điều chỉnh phân bổ bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp trên địa bản tỉnh Phú Yên đến năm 2025 là 2.812,28 ha và giai đoạn 2021-2030: 4.870,28 ha.
Sau khi khảo sát, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đây là khu vực có vị trí quan trọng và thuận lợi để phát triển cảng biển, dịch vụ logistics, công nghiệp, du lịch, dịch vụ... Thủ tướng yêu cầu tỉnh Phú Yên phối hợp với các bộ, ngành triển khai phát triển khu vực theo quy hoạch đã được phê duyệt; đồng thời nghiên cứu phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ xanh thân thiện môi trường. Đặc biệt, phát triển các ngành phải hài hòa, không xung đột, ảnh hưởng lẫn nhau; có chính sách thu hút đầu tư, nhất là huy động các nguồn lực theo phương thức hợp tác công tư để phát triển khu vực thành một trong những động lực tăng trưởng của tỉnh và khu vực.
* Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác cũng khảo sát thực tế một số vị trí tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên.
Cao tốc Bắc -Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên có tổng chiều dài hơn 90 km, đi qua địa giới hành chính 24 xã, phường, thị trấn thuộc 06 huyện, thị, thành phố của Phú Yên. Tổng mức đầu tư đoạn qua Phú Yên ước tính khoảng 19.000 tỷ đồng.
Để triển khai tuyến đường, có 5.113 hộ dân bị ảnh hưởng; số hộ dự kiến bố trí tái định cư là 407 hộ, tại 12 khu tái định cư. Đến hết ngày 30-12-2022, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư tương ứng theo chiều dài tuyến đạt 60,12%. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ, đối với đất nông nghiệp, đất lúa phải bàn giao tối thiểu 70% diện tích trước ngày 31-1-2023; đối với các loại đất khác phải bàn giao trước ngày 31-3-2023.
Trong quá trình khảo sát, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của cả nước và các địa phương có dự án đi qua, trong đó có Phú Yên.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị và tỉnh Phú Yên đẩy nhanh giải phóng mặt bằng; chuẩn bị đầu tư; xây dựng dự án tiền khả thi, chọn tư vấn thiết kế, thẩm định, phê duyệt, chọn nhà thầu thi công... kịp thời, khách quan; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị phối hợp để thực hiện, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Với vấn đề các mỏ đất, đá, nguyên vật liệu cho dự án, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tinh thần là cắt giảm tối đa khâu trung gian, tránh đội giá, giảm thời gian, thủ tục, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; không để tình trạng tài nguyên là của đất nước nhưng nhiều mỏ đất, đá… lại giao tư nhân quản lý và họ lợi dụng "bắt chẹt", nâng giá, gây khan hiếm nguyên vật liệu.
Thủ tướng một lần nữa lưu ý việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, "qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất, qua núi khoét núi", qua đó giảm được khâu giải phóng mặt bằng, giảm chi phí và thời gian và tạo ra không gian phát triển mới. Việc thi công phải "3 ca 4 kíp" với nhiều mũi giáp công, nói là làm, tạo khí thế để người dân và địa phương phấn khởi, tin tưởng, ủng hộ, cùng vào cuộc triển khai dự án.
* Nói chuyện với đại diện các hộ dân thị xã Đông Hòa, thuộc diện giải phóng mặt bằng của dự án, Thủ tướng bày tỏ vui mừng và hoan nghênh khi người dân đồng tình, sẵn sàng di dời tái định cư nhường đất cho dự án; đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm, đảm bảo cho cuộc sống, sinh kế của người dân ở nơi ở mới ít nhất là bằng, phấn đấu tốt hơn nơi ở cũ.
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị người dân tiếp tục ủng hộ dự án cả trong quá trình thi công để dự án được triển khai đúng tiến độ, an toàn, chất lượng, không đội vốn, sớm đi vào khai thác, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và vì chính cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân.
Nhân dịp năm mới, Thủ tướng Chính phủ chúc mừng, tặng quà Tết cho các gia đình tiêu biểu và gia đình có hoàn cảnh khó khăn của thị xã Đông Hòa.
* Trước khi bắt đầu chương trình làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, dâng hương, thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ tại Di tích Bến tàu Không số Vũng Rô ở xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa.
Ghi sổ vàng lưu niệm tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, di tích lịch sử Bến tàu không số Vũng Rô- Bến tàu không số giữa lòng địch, thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm của quân và dân ta; điểm dừng của những "hải trình quyết tử", chi viện hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược từ miền Bắc cho chiến trường khu V và Tây Nguyên góp phần quan trọng trong cuộc chiến đấu của các lực lượng Quân khu V, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước... Những câu chuyện về tàu không số và bến Vũng Rô mãi là khúc tráng ca bất tử trong lòng dân tộc, trong trái tim mỗi người con đất Việt.