Phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045
Giao thông - Ngày đăng : 12:40, 02/09/2021
Đây là quy hoạch chuyên ngành đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, được đánh giá có quy mô, phạm vi và sức ảnh hưởng lớn trong 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia của cả nước.
Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cũng là một trong 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải (đường bộ; đường thủy nội địa; cảng hàng không, sân bay; cảng biển; đường sắt). Đây là lần đầu tiên các quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải được thực hiện đồng thời, có phân công rõ vai trò dựa trên lợi thế từng phương thức trên từng hành lang vận tải chính, bảo đảm tính hệ thống, kết nối đồng bộ giữa các chuyên ngành.
Việc xây dựng và thông qua quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng thẩm định 5 quy hoạch ngành Giao thông Vận tải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch được xây dựng dựa trên nguyên tắc quán triệt văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Đại hội lần thứ XII, XIII; tuân thủ Luật Quy hoạch; kế thừa quan điểm còn giá trị của quy hoạch trước đây, phù hợp đặc thù và lợi thế của lĩnh vực, khắc phục các vướng mắc, hạn chế trong 10 năm vừa qua, nhất là về tính đồng bộ, liên kết.
Trước đó, ngày 19-8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triệu tập và chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch. Tại hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung cho công tác này, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Phân tích, nhấn mạnh thêm về tầm quan trọng của công tác quy hoạch và vì sao phải đầu tư cho công tác này, Thủ tướng nêu rõ, làm gì cũng phải có quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch phải tổng thể, toàn diện, bao quát, có tính định hướng. Có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt; có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt và sử dụng hiệu quả đầu tư công, phát triển kinh tế - xã hội, trên tinh thần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, bảo đảm hiệu quả.
Trước yêu cầu mới của Luật Quy hoạch là phải đồng thời làm quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành, Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, cùng làm, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các bộ, địa phương phải làm tốt nhất quy hoạch ngành mình, địa phương mình. Đồng thời, phối hợp thật tốt, tăng cường trao đổi trên tinh thần không câu nệ về hành chính, thủ tục, không cục bộ, chia cắt, manh mún.
Bảo đảm tính kết nối, lan tỏa, hiệu quả và linh hoạt
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ lần này xác định đường bộ là phương thức linh hoạt, hiệu quả đối với cự ly ngắn và trung bình (dưới 300km), hỗ trợ gom, giải tỏa hàng hóa, hành khách cho các phương thức vận tải khác.
Theo quy hoạch, hệ thống đường bộ phải bảo đảm kết nối giữa hệ thống đường bộ quốc gia với hệ thống đường địa phương, giữa các vùng động lực và vùng khó khăn; kết nối đến các đầu mối vận tải và quốc tế, đặc biệt là kết nối hiệu quả với các đầu mối giao thông, hạ tầng của các phương thức khác (nhà ga đường sắt, cảng biển, cảng sông, sân bay).
Đồng thời, quy hoạch đường bộ đã được tích hợp và đồng bộ hóa với 4 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải còn lại, từ đó, xác định danh mục các dự án ưu tiên đối với hệ thống đường quốc gia, danh mục các dự án đường địa phương cần thiết phải ưu tiên đưa vào quy hoạch của tỉnh để bảo đảm tính kết nối, liên thông với mạng lưới giao thông của vùng và quốc gia, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Để bảo đảm tính linh hoạt, tính mở và sự chủ động trong đầu tư, quy hoạch lần này cho phép có thể điều chỉnh tiến độ đầu tư các tuyến đường nếu các địa phương nhận thấy nhu cầu cần thiết đầu tư sớm hơn và có thể thu xếp nguồn lực để triển khai thực hiện; hoặc khi địa phương có nhu cầu mở rộng quốc lộ đi qua địa bàn đã được quy hoạch đô thị thì sẽ phối hợp nguồn vốn theo hướng trung ương đầu tư phần quy mô theo quy hoạch, địa phương đầu tư phần mở rộng...
Kết quả quy hoạch đã đề xuất lựa chọn danh mục các dự án ưu tiên trên nguyên tắc các dự án này đều phải bảo đảm tính lan tỏa, là động lực phát triển vùng hoặc liên vùng, đầu tư phát huy ngay hiệu quả.
Đáng chú ý, quy hoạch đã ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng cao tốc kết nối liên vùng và là xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia.
Trong đó, tập trung hoàn thiện tuyến đường bộ Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến cao tốc khu vực Nam Bộ, miền Trung - Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và các tuyến vành đai đô thị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; với mục tiêu cụ thể đến năm 2030, có thể đưa vào khai thác khoảng hơn 5.000km đường cao tốc như mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Quy hoạch lần này bảo đảm yêu cầu phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ quốc gia hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại kết hợp với sử dụng hiệu quả nhiên liệu trong hoạt động giao thông, nhất là giao thông đô thị để giảm thiểu ô nhiễm. Phương tiện vận tải phải có tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng với các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Thống nhất cao thông qua quy hoạch, cần huy động mọi nguồn lực để triển khai
Quá trình triển khai lập quy hoạch mạng lưới đường bộ được thực hiện nghiêm túc, khoa học, trên cơ sở tổng kết thực tiễn và bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Quy hoạch được xây dựng trong điều kiện chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đều đang lập. Bên cạnh đó, do tác động của dịch bệnh Covid-19, công tác khảo sát, thu thập số liệu cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Bộ Giao thông Vận tải đã chủ động xây dựng nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đã tổ chức lựa chọn tư vấn, triển khai lập quy hoạch; chỉ đạo tư vấn, phối hợp với các chuyên gia quốc tế sử dụng các phương pháp nghiên cứu, tính toán hiện đại với độ tin cậy cao, vừa bảo đảm được chất lượng cũng như tiến độ lập quy hoạch.
Quá trình lập quy hoạch được tổ chức bài bản với 3 hội thảo toàn quốc tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam; lấy ý kiến Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương. Tất cả các ý kiến đã được Bộ Giao thông Vận tải nghiêm túc tiếp thu, giải trình để báo cáo Hội đồng thẩm định với 100% thành viên Hội đồng bỏ phiếu thông qua.
Để thực hiện được quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn của quy hoạch đề ra, các giải pháp được tập trung nhấn mạnh về huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, đặc biệt là đường bộ cao tốc; đẩy mạnh đầu tư PPP, trong đó, vốn ngân sách nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt, kích hoạt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác. Thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền trong việc huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện cho các địa phương… là những giải pháp quan trọng để thực hiện thành công quy hoạch.
Kết quả chủ yếu của quy hoạch mạng lưới đường bộ:
(1) Cao tốc: Đến năm 2030, có khoảng 5.004km đường bộ cao tốc (tăng khoảng 3.841km so với với năm 2021), đến năm 2050, mạng lưới đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014km, bao gồm:
Trục dọc Bắc Nam (2 tuyến): Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (từ Lạng Sơn - Cà Mau) chiều dài khoảng 2.063km, quy mô 4 - 10 làn xe; tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, chiều dài khoảng 1.205km, quy mô 4 - 6 làn xe; khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến, chiều dài khoảng 2.305km, quy mô 4 - 6 làn xe; khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.431km, quy mô 4 - 6 làn xe; khu vực miền Nam gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.290km, quy mô 4 - 10 làn xe. Vành đai đô thị Thủ đô Hà Nội gồm 3 tuyến, chiều dài khoảng 425km, quy mô 4 - 6 làn xe; vành đai đô thị thành phố Hồ Chí Minh gồm 2 tuyến, chiều dài khoảng 295km, quy mô 4 - 8 làn xe.
(2) Mạng lưới quốc lộ: Gồm 172 tuyến, tổng chiều dài khoảng 29.795km (tăng 5.474km so với năm 2021), phân chia thành quốc lộ chính yếu và thứ yếu, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp III đối với đoạn đường thông thường và cấp IV đối với đoạn khó khăn.
(3) Đường bộ ven biển: Qua địa phận 28 tỉnh, thành phố, tổng chiều dài khoảng 3.034km, quy mô 2 - 4 làn xe, hướng tuyến các đoạn không đi trùng các quốc lộ, cao tốc được quyết định trong quy hoạch tỉnh. Bộ Giao thông Vận tải đầu tư đoạn đi trùng quốc lộ, cao tốc; các địa phương ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các đoạn còn lại trước năm 2030.