Điện hóa phương tiện giao thông tại Việt Nam: Không thể nóng vội

Xe++ - Ngày đăng : 11:12, 03/09/2021

(HNMO) - Đây là quan điểm được các chuyên gia chia sẻ trong hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam” do Báo Giao thông phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) tổ chức ngày 3-9 theo hình thức trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ chia sẻ ý kiến tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nêu rõ, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16-7-2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông.

Trong bối cảnh đã và đang tích cực tham gia vào các hiệp ước quốc tế về bảo vệ môi trường, Việt Nam có nhiều thuận lợi và là thị trường tiềm năng để phát triển các loại phương tiện xanh, thân thiện môi trường. Tuy nhiên, để phát triển loại hình phương tiện mới sao cho an toàn và thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông, cần có sự cân nhắc, trong đó cần thiết có những đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Trong các tham luận chia sẻ tại hội thảo, đại diện Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cho rằng, hướng phát triển xe điện tại Việt Nam hiện nay tuy đã rõ, nhưng còn có nhiều rào cản, đáng chú ý là chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam gần như chưa có. Xe điện đến nay mới nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường...

Trong bối cảnh đó, các tham luận kiến nghị một số giải pháp như: Áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường; xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội nhằm thu hút đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện...

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều thông tin về xe điện và giải pháp giúp triển khai loại phương tiện này ở Việt Nam. Các ý kiến nhất trí với quan điểm, xe xanh nói chung và các loại phương tiện điện hóa nói riêng là hướng phát triển tất yếu đối với nhu cầu đi lại của nhân loại, nhưng mỗi quốc gia đều cần một lộ trình phát triển phù hợp, tránh nóng vội, hạn chế gây sốc nền kinh tế và hạ tầng giao thông.

Một trong những quan ngại được nhắc tới nhiều là nếu tính toán phát thải carbon cả vòng đời, xe điện (đặc biệt là xe điện chạy pin) chưa thực sự sạch so với các loại xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống. Do đó, điều kiện tiên quyết để gia tăng số lượng xe thuần điện là phải “sạch hóa” được không chỉ quá trình sản xuất, lắp ráp, mà cả nguồn năng lượng điện. Trong quá trình này, “rác” xe điện có nhiều hóa chất độc hại cần được tính toán xử lý từ sớm để tránh trở thành mối nguy hại lâu dài.

Theo các báo cáo được công bố tại hội thảo, số lượng xe điện hóa (hybrid, hybrid sạc ngoài và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện còn ít ỏi. Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, năm 2019 chỉ có 140 xe điện được đăng ký, năm 2020 tăng lên 900 xe. Đến hết quý I-2021 mới có thêm 600 xe. Đáng chú ý, tất cả số xe trên đều nhập khẩu.

Hoàng Linh