Định vị thiết kế truyền thống Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 15:44, 04/09/2021
Nhà thiết kế Vũ Thảo, Nhà sáng lập và Giám đốc thiết kế tại Kilomet 109:
Phát huy tính bản địa trong thiết kế
Có 3 xu hướng thiết kế nổi bật tại Việt Nam, đó là xu hướng dân tộc, xu hướng lãng mạn và xu hướng tối đa. Trong đó, xu hướng dân tộc là một hiện tượng xã hội có liên quan mật thiết đến các vấn đề sắc tộc, nhận dạng tộc tính, nhất là khi quá trình toàn cầu hóa đang tạo ra các vấn đề về đa dạng văn hóa. Các biểu tượng liên quan đến tộc tính và mong muốn khẳng định bản sắc dân tộc thông qua thiết kế đã trở thành nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thiết kế của Việt Nam, từ ý tưởng đến phương pháp thực hiện. Nó giúp các nhà thiết kế đưa ra ý đồ sáng tạo có liên quan đến văn hóa, giúp họ tạo được danh tính trong nền công nghiệp thiết kế.
Ngoài các xu hướng trên, giá trị truyền thống trong ngành Thiết kế còn biểu hiện qua các yếu tố như tính bản địa, quá trình bảo tồn văn hóa, sự trao quyền cho cộng đồng và lấy con người làm trung tâm...
Tính bản địa đang trở thành xu hướng phổ biến trong nhiều lĩnh vực và các hoạt động sáng tạo văn hóa hiện nay. Trong ngành Công nghiệp thời trang, nhiều thương hiệu tiên phong sáng tạo đang thúc đẩy quá trình bản địa hóa thông qua việc lấy ý tưởng từ các chất liệu văn hóa, sử dụng lao động và cộng đồng bản địa, sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương, từ đó giảm giá thành sản phẩm nhờ giảm chi phí sản xuất, phí vận chuyển và các vấn đề khác. Đẩy mạnh bản địa hóa còn góp phần gìn giữ sự đa dạng trong hệ sinh thái văn hóa, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
Bản địa hóa các sản phẩm thiết kế cũng góp phần bảo tồn văn hóa. Khi chúng ta sử dụng văn hóa như là tố chất để nuôi dưỡng thiết kế thì việc bảo tồn văn hóa là yếu tố không thể phủ nhận.
Trao quyền cho cộng đồng: Máy móc, công nghệ làm cho đời sống của chúng ta thuận tiện hơn nhưng lại đẩy con người xa khỏi sản phẩm và quá trình sản xuất. Sự đứt gãy giữa con người với nguyên liệu vì thế cũng trở nên nhức nhối hơn. Sự lệ thuộc vào máy móc khiến con người mất đi tính tự chủ và ảnh hưởng đến bản năng sinh tồn. Vì vậy, cần cân nhắc về các lợi ích cũng như sự bất cập của việc sản xuất hàng loạt đối với quy trình sản xuất truyền thống.
Con người là trọng tâm: Máy móc đang dần thay thế con người. Những đại nhà máy chỉ cần vài công nhân vận hành cả dây chuyền sản xuất hàng nghìn sản phẩm, trong khi sản xuất thủ công chủ yếu dùng sức người mất nhiều thời gian hơn, năng suất kém hơn. Tuy nhiên, quá trình sản xuất thủ công lại khẳng định sự kết nối giữa con người và kỹ năng, con người với thiên nhiên và nguồn tài nguyên, con người với văn hóa... Khi mất đi sự kết nối này, việc quảng bá văn hóa thông qua thiết kế sẽ khó khăn hơn vì vai trò của con người không còn. Việc lấy con người làm trọng tâm là yếu tố quan trọng khi lồng ghép văn hóa với những quy trình sản xuất thủ công vào trong thiết kế.
Quy trình sản xuất truyền thống còn có lợi ích không thể phủ nhận, đó là tính ít tác động đến môi trường tự nhiên, môi trường sống, yếu tố xã hội cũng như việc giúp các nghệ nhân bảo toàn lực lượng lao động bản địa, tạo sinh kế cho cộng đồng.
Nhà thiết kế Nguyễn Phan Thùy Dương, Chủ biên tạp chí ELLE Decoration Vietnam:
Thay đổi tư duy để khai phóng những ý tưởng sáng tạo độc đáo
Những nguyên liệu cơ bản trong thiết kế, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế nội thất, vật dụng trang trí như đất, nước, gỗ, rơm rạ... vốn rất gần gũi với con người nên dễ tạo cho các nhà thiết kế những cảm hứng. Đã có rất nhiều nhà thiết kế hay các thương hiệu nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực thiết kế thành công với những triết lý riêng của họ. Có một điểm nổi bật là họ thường sử dụng những chất liệu từ thiên nhiên hay những vật liệu có sẵn của địa phương để tạo nên những sản phẩm có thiết kế tối giản nhưng tinh tế, mang dấu ấn văn hóa truyền thống và thông điệp rõ ràng. Các nhà thiết kế của Việt Nam có thể tìm hiểu, vận dụng các kỹ thuật thủ công của các làng nghề truyền thống để tạo nên những sản phẩm riêng mang dấu ấn của mình. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là yếu tố con người, đòi hỏi nhà thiết kế phải có tư duy rộng mở với cách tiếp cận hiện đại để đánh thức và khai phóng những ý tưởng sáng tạo độc đáo.
Trần Thảo Miên, đồng sáng lập Collective Sòn Sòn:
Đi tìm cá tính Việt trong thiết kế
Khi cùng nhau lên ý tưởng cho tác phẩm “Góc tĩnh tại” để tham dự cuộc thi Design by Vietnam 2020, tôi và các thành viên của Collective Sòn Sòn luôn đặt ra câu hỏi: “Cá tính Việt trong thiết kế là gì?”. Sau khi tìm hiểu các biểu tượng văn hóa, các tác phẩm mỹ thuật truyền thống như tượng nghê, sư tử, rồng, phượng... chúng tôi nhận ra rằng, các hình tượng trong văn hóa truyền thống của Việt Nam đều có đặc điểm chung là sự ngô nghê, hồn nhiên và hài hước. Nhiều người cho rằng, những hình tượng này dường như thiếu sự chỉn chu, hoàn hảo, nhưng chúng tôi lại cảm nhận được nét duyên dáng, giàu tình cảm và sự biểu hiện sinh động, tạo nên cá tính trong thẩm mỹ Việt. Sự phá vỡ luật lệ, bất quy tắc khiến quá trình sáng tác, thiết kế trở nên linh hoạt hơn. Đây là điều cần thiết ở thời điểm này, khi mà thợ thủ công đang phải cạnh tranh với máy móc và các quy chuẩn.
Dựa trên cá tính thẩm mỹ ấy, các thành viên Collective Sòn Sòn đã tạo nên tác phẩm “Góc tĩnh tại” và sau đó là các tác phẩm đồ họa trên vải cũng mang đúng tinh thần đó. Ẩn sau những nét tạo hình ngô nghê, mộc mạc, tối giản, chúng tôi cũng muốn truyền tải đến mọi người thông điệp về sự kết nối và hòa hợp giữa con người với thiên nhiên. Những thiết kế này được bắt nguồn từ chính những vật liệu và họa tiết truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, tạo nên những mẫu thiết kế mang bản sắc văn hóa truyền thống Việt rõ nét. Đó chính là cá tính Việt trong thiết kế.