Ngành Giáo dục Thủ đô: Vượt khó để hoàn thành ''nhiệm vụ kép''
Giáo dục - Ngày đăng : 06:22, 05/09/2021
Bảo đảm an toàn là mục tiêu ưu tiên
Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên cùng với cả nước, ngành Giáo dục Thủ đô triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ngành tiếp tục với mục tiêu ưu tiên bảo đảm an toàn, chủ động phương án tổ chức dạy học linh hoạt để không làm gián đoạn việc học tập của học sinh.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh, phòng đã chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch năm học linh hoạt để ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19. Cùng với việc tổ chức dạy học trực tuyến, các nhà trường cũng thường xuyên nắm bắt tình hình sức khỏe của học sinh và sẵn sàng mọi điều kiện để đón học sinh quay trở lại trường an toàn, khi dịch được kiểm soát.
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu, 49 trường tiểu học và trung học cơ sở của huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương chuyển sách tới các chốt kiểm dịch Covid-19 của từng xã, thôn, sau đó lực lượng chức năng đã đưa sách tới tận nhà cho học sinh, bảo đảm 100% học sinh có đủ sách giáo khoa trước ngày khai giảng.
Em Lê Vân Hương, học sinh lớp 12D3, Trường Trung học phổ thông Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình) chia sẻ: “Dù việc học trực tuyến có nhiều bất tiện, song đây là phương án tối ưu để chúng em được an toàn trong tình hình dịch bệnh phức tạp. Em sẽ khắc phục khó khăn, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch”.
Hỗ trợ tối đa cho học sinh
Ngày 6-9, các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu tổ chức dạy học theo kế hoạch năm học 2021-2022 bằng hình thức trực tuyến. Các nhà trường tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ tối đa cho học sinh, duy trì dạy tốt, học tốt.
Là đơn vị có nhiều học sinh ở địa phương khác xin học tại nơi lưu trú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) Lê Thị Quyên cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện có 12 học sinh (2 em lớp 10, 7 em lớp 11 và 3 em lớp 12) quê ở các tỉnh: Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình… chưa kịp quay trở về địa phương, có nguyện vọng học tại trường. Nhà trường sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ tối đa cho các em, bảo đảm học sinh dù ở đâu cũng được học tập tốt nhất.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) Nguyễn Thị Bích Nga thông tin, nhà trường cập nhật tình hình sức khỏe của học sinh hằng ngày và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với từng cấp độ cụ thể của dịch. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có kế hoạch riêng về dạy học, bồi dưỡng cho hơn 400 học sinh lớp 9 để các em tự tin, yên tâm bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Còn Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Nguyễn Danh Cường chia sẻ: "34 trường tiểu học trên địa bàn huyện đã quan tâm đến việc tổ chức dạy học đối với học sinh lớp 1. Qua gần 1 tuần làm quen với việc học trực tuyến, các em đã bớt bỡ ngỡ. Chúng tôi sẽ cố gắng tối đa để học sinh lớp 1 chính thức bước vào chương trình học từ ngày 13-9 theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội".
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở đã chỉ đạo các nhà trường triển khai phương án dạy học phù hợp, vừa bảo đảm an toàn, vừa tổ chức dạy tốt, học tốt; tiếp tục phát động phong trào “Máy tính cho em”, kịp thời hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn thiếu thiết bị học trực tuyến để không em nào chịu thiệt thòi. Các trường học trên địa bàn Hà Nội cũng đã tiếp nhận và tạo mọi điều kiện cho hơn 872 học sinh chưa thể về học tập tại nơi thường trú do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
“Các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường cần tham mưu với chính quyền địa phương tăng cường nguồn lực, bổ sung trang thiết bị dạy học; triển khai tốt việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6; chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập, không để dịch bệnh làm ảnh hưởng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.