Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng và gia tài vô giá
Văn hóa - Ngày đăng : 05:26, 05/09/2021
- Thưa Đại tá, NSNA Trần Hồng, nhìn lại “gia tài” gần 2.000 bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác phẩm nào khiến ông ưng ý nhất?
- Đối với tôi bức ảnh nào cũng ưng ý cả. Mỗi khi được chụp ông, trong tôi có một cảm hứng rất khó tả, dâng trào bởi tình yêu, lòng biết ơn một con người vĩ đại của dân tộc. Tất nhiên, cũng có những bức ảnh còn hạn chế về góc độ, ánh sáng nhưng tôi vẫn trân trọng từng khoảnh khắc. Tôi đã chọn và tổ chức 8 cuộc triển lãm chân dung Đại tướng.
Đại tướng từng hỏi: “Trần Hồng, sao em lại chụp ảnh anh nhiều thế?". Tôi trả lời: "Thưa Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, sao Đại tướng lại cho tôi chụp ảnh Đại tướng nhiều thế?”. Ông đã dành cho tôi một nụ cười quá đẹp. Đôi mắt của ông đã rất đẹp, nhưng khi có cảm hứng, đôi mắt ấy lại càng đẹp hơn.
- Thời gian và cơ hội nào đã tạo nên cơ duyên giữa ông và Đại tướng, để ông có thể gần gũi và chụp nhiều bức ảnh như vậy?
- Có một lần, vào tháng 10-1994, tôi đến nơi ông làm việc, lúc đang nói chuyện với người cán bộ văn phòng thì Đại tướng đi qua và hỏi tôi: “Anh vào đây làm gì?”. Tôi tự giới thiệu và trả lời: “Thưa Đại tướng, tôi đến đây xin chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Ông nhìn tôi một cách trìu mến và nói rằng: “Để cho Trần Hồng vào gặp tớ”. Kể từ cuộc gặp gỡ ấy, tôi đã có nhiều thời gian để chụp hình Đại tướng.
- Những bức ảnh nào chụp Đại tướng để lại trong ông ấn tượng sâu sắc nhất?
- Tình cảm đầu tiên bao giờ cũng mãnh liệt, để lại ấn tượng sâu sắc. Để bắt gặp hình ảnh Đại tướng mặc thường phục rất khó. Thế nhưng, hôm đầu tiên đến nhà riêng của Đại tướng, tôi đã thấy hình ảnh ông đang tập thể dục, ngồi thiền rồi sau đó mới vào ăn sáng. Đó là quãng thời gian rất quý với tôi, là cơ hội để tôi có thể chụp hình ảnh Đại tướng mặc thường phục. Không dưới 3 lần ông "nạt" tôi: “Cậu không được chụp tớ như thế này. Sĩ quan quân đội thì khi chụp ảnh phải mặc quân phục”. Tuy không nói ra nhưng tôi lại thích như vậy. Vài hôm sau tôi đưa ảnh cho Đại tướng xem. Ông nhìn và nói: “Ừ, chân thật nhỉ!”. Đó là một lời khen, với tôi như thế là vui lắm rồi. Tôi biết có những điều mình thích nhưng Đại tướng không thích, nên tự nhủ mình phải tinh tế.
Tôi rất nhớ 1.559 ngày Đại tướng nằm điều dưỡng ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tôi đã có những hình ảnh vô cùng ý nghĩa trong khoảng thời gian đó. Có những lúc giơ máy ảnh lên mà tay tôi run run, không thể bấm máy được. Trước mắt tôi là hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một con người lừng lẫy như thế mà giờ đây gầy guộc... Đã có lúc tôi nghĩ, nếu mình chụp những bức ảnh này thì sẽ có tội với Đại tướng. Nhưng rồi suy nghĩ lại thấy không đúng, phải chụp chứ, vì đây là sự thật, là tư liệu lịch sử.
- Những lúc ở bên Đại tướng, ông thường có góc nhìn như thế nào để nắm bắt được những khoảnh khắc đẹp?
- Tôi quan sát các động thái, đặc biệt là diện mạo Đại tướng, sự thay đổi trên khuôn mặt những khi ông buồn, khi ông vui, khi ông nói chuyện... Có người nói, ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp chơi piano là bức ảnh rất đẹp. Ông đánh đàn, vợ ông đứng sau nghe. Đã có người từng hỏi tôi: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh đàn có hay không?”. Tôi bảo: “Xin lỗi, tôi không thể trả lời câu hỏi ấy”. Không thể, bởi khi ấy tôi không có tâm trí nào mà nghe cả. Tôi chỉ tập trung vào việc quan sát Đại tướng và người bạn đời của ông, cố gắng ghi lại những khoảnh khắc chân thật nhất. Nhưng có những lúc tôi cũng phải “hy sinh” khoảnh khắc để lắng nghe Đại tướng nói, nhìn Đại tướng làm.
- NSNA Trần Hồng đã có 8 triển lãm ảnh cá nhân về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông nhớ nhất triển lãm nào?
- Tôi nhớ mãi triển lãm đầu tiên được tổ chức vào năm 2006, tại tỉnh Quảng Bình. Năm ấy Đại tướng 95 tuổi. Cuộc triển lãm mở ra một “cánh cửa” cho báo chí trong nước và thế giới tìm hiểu về Đại tướng. Triển lãm dự kiến mở trong 10 ngày nhưng sau đó diễn ra 30 ngày. Toàn bộ 95 bức ảnh ấy tôi đã tặng lại cho tỉnh Quảng Bình. Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã nói: “Phóng viên, nhà báo Trần Hồng có 95 bông hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất thay mặt cho dân tộc này để báo đáp công ơn của anh Văn”. Đó là điều khiến tôi hạnh phúc!
- Trân trọng cảm ơn NSNA, nhà báo Trần Hồng!