Nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:22, 06/09/2021

(HNM) - Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cùng với nỗ lực khoanh vùng, dập dịch, Hà Nội đang tập trung nâng cao năng lực điều trị và chuẩn bị sẵn sàng các phương án khi số ca bệnh tăng lên. Thành phố cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bệnh viện, bảo đảm nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu…, đặc biệt là ô xy y tế để hạn chế tối đa trường hợp tử vong do Covid-19.

Ứng dụng hệ thống kỹ thuật hiện đại vào điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: TTXVN

Cứu sống kịp thời bệnh nhân nguy kịch

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong đợt dịch thứ tư này, các bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô đã điều trị khỏi cho gần 2.000 bệnh nhân. Theo đó, các cơ sở y tế đã được tăng cường các trang thiết bị, như: Máy thở, X-Quang di động, máy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo)… để bảo đảm điều trị kịp thời khi bệnh nhân chuyển từ mức độ nhẹ, mức độ không có triệu chứng sang mức độ vừa hoặc mức độ nặng, nguy kịch.

Nhờ được can thiệp ECMO kịp thời, một bệnh nhân nam (48 tuổi ở Hà Nội) vừa được các y, bác sĩ của Bệnh viện Thanh Nhàn cứu sống. Đây cũng là bệnh nhân đầu tiên tại bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô được triển khai kỹ thuật ECMO thành công. Bác sĩ Lê Văn Dẫn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, ECMO là kỹ thuật cứu cánh cuối cùng cho bệnh nhân nặng, nguy kịch, có tổn thương phổi do Covid-19. Hiện, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, tổn thương phổi dần được cải thiện.

Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị cho hơn 250 bệnh nhân, trong đó đa phần bệnh nhân nhẹ, chỉ có khoảng 10% bệnh nhân trở nặng, phải điều trị ICU (hồi sức tích cực). Theo bác sĩ Lê Văn Dẫn, trong đợt dịch lần này, ngoài các bệnh nhân cao tuổi, mắc các bệnh nền (cao huyết áp, đái tháo đường, suy tim, suy thận…), còn có những bệnh nhân trẻ tuổi, không bệnh nền, nhưng bệnh tiến triển nặng rất nhanh, đa phần tổn thương nặng lên ở ngày thứ 6 mắc bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông hiện cũng đang điều trị cho khoảng 40 bệnh nhân Covid-19. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông Đào Thiện Tiến cho biết, không chỉ sẵn sàng nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế đáp ứng khi số lượng bệnh nhân tăng lên, bệnh viện còn phối hợp với nhà thầu triển khai phương án thiết kế, lắp đặt hệ thống bồn chứa, đường ống dẫn khí ô xy đến các phòng điều trị. Dự kiến, việc lắp đặt hệ thống khí ô xy y tế phục vụ cho công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ hoàn thành trước ngày 15-9 để đưa vào vận hành.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã chuẩn bị 25 khối ô xy y tế. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Đức Long cho hay, Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các nhà cung ứng ô xy y tế phải có phương án bảo đảm thực hiện đúng cam kết để các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân…

Đoàn công tác của thành phố Hà Nội kiểm tra việc lắp đặt, bảo đảm sẵn sàng ô xy y tế phục vụ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Không để thiếu ô xy y tế

Hiện tại, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị đầy đủ 20.000 giường và sẵn sàng lên phương án 30.000 giường cho các cơ sở thu dung, điều trị chăm sóc theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế. Cụ thể, tầng 1 thu dung, cách ly, quản lý, khám chữa bệnh cho người nghi nhiễm và người nhiễm không có triệu chứng, mức độ nhẹ. Tầng 2 điều trị các ca bệnh mức độ vừa; còn tầng 3 điều trị các ca bệnh mức độ nặng và nguy kịch.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, ngành Y tế Hà Nội đã chủ động trong chuẩn bị cơ sở vật chất, nâng cao năng lực điều trị, nhất là tập trung cho công tác thu dung, điều trị ở tầng 1. Bởi, nếu tại tầng 1, bệnh nhân được cách ly kịp thời, có đủ dinh dưỡng, tinh thần thoải mái và được hướng dẫn đầy đủ về kiểm soát nhiễm khuẩn, tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, thì sẽ hạn chế tối đa nguy cơ phải chuyển tầng.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, thành phố đã giao nhiệm vụ cho 32 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra công tác đáp ứng điều trị theo các giai đoạn. Sở Y tế đã khảo sát nhanh lượng ô xy cần dự trù trong giai đoạn 1 (khi có 10.000 người mắc). Trong đó, trường hợp tầng 2 và 3 có 2.000 bệnh nhân, thì cần khoảng 16 tấn ô xy lỏng/ngày; trường hợp có 8.000 bệnh nhân điều trị ở tầng 2 và 3, thì cần 64 tấn ô xy lỏng/ngày. Đến nay, cơ bản các bệnh viện đã triển khai ký hợp đồng nguyên tắc với các công ty cung cấp khí y tế. Các công ty cung cấp cũng đã cam kết cung cấp đủ ô xy y tế trong trường hợp Hà Nội có 30.000-40.000 người mắc.

Từ kinh nghiệm tại một số tỉnh, thành phố, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, khi dịch bệnh bùng phát thì thường diễn ra rất nhanh, khó lường. Ngành Y tế Hà Nội đã có các phương án, mô hình, sự chủ động chuẩn bị, đáp ứng cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, Hà Nội cần phải đi trước một bước và cao hơn một mức, tiếp tục theo dõi sát việc điều hành, điều phối sử dụng ô xy y tế trong các đơn vị thực hiện nhiệm vụ điều trị.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

THU TRANG