Thị trường xe trong nước: Kích cầu quyết liệt, vẫn giậm chân tại chỗ

Xe++ - Ngày đăng : 19:09, 07/09/2021

(HNMO) - Chuỗi kinh doanh xe trong nước tê liệt, nhu cầu mua sắm suy giảm kèm theo diễn biến bất thường từ thị trường xe cũ đã tạo sức ép chưa từng có lên hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất xe tại Việt Nam.

Xe nhập khẩu nằm dài chờ khách.

Chia sẻ về tình hình kinh doanh hiện nay, một nhân viên kinh doanh xe Hyundai tại Vinh cho biết, mặc dù thành phố này chưa bị áp dụng các biện pháp giãn cách quá ngặt nghèo, nhưng số xe bán ra không đáng kể so với khi không có dịch. Trong suốt tháng 8, đại lý nơi người này đang làm việc ký bán được chưa tới 100 xe và giao hơn 60 xe, chỉ bằng 1/3 mức thông thường. Trong tuần đầu tháng 9, chỉ có khoảng 5-6 xe được đặt cọc.

Tình trạng của các đại lý tại thành phố Hồ Chí Minh xấu hơn nhiều. Một đại lý Hyundai ở quận 1 cho biết, cả tháng 8 chỉ bàn giao được 1 xe cứu thương và ký hợp đồng được đúng 1 xe Accent trong suốt tuần đầu tháng 9. Trong khi đó, hệ thống kinh doanh xe ở Hà Nội cũng thấp thỏm giữa bộn bề khó khăn, khi hầu hết ghi nhận lượng xe đặt cọc trong tuần đầu tháng 9 “không đến 10 đầu ngón tay”.

Một nhân viên kinh doanh trong hệ thống đại lý Ford ở quận Thanh Xuân chia sẻ, việc nhận được hợp đồng đặt mua xe vào lúc này đã khó, nhưng ấn định được thời điểm giao xe cũng là thách thức lớn. Bởi lẽ, điều này không chỉ phụ thuộc vào tâm lý người mua, mà còn chịu ảnh hưởng từ hoạt động sản xuất, vận chuyển... vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Thực tế kinh doanh èo uột toàn thị trường diễn ra bất chấp những ưu đãi chưa từng có tiền lệ. Vào lúc này, các đại lý Hyundai đang giảm giá từ 40-47 triệu đồng cho Santa Fe thế hệ hoàn toàn mới vừa ra mắt. Mẫu SUV luôn “cháy hàng” trong giai đoạn trước dịch giờ đây gần như không bán được nổi một xe. Còn Subaru tới hết tháng 10 sẽ hỗ trợ toàn bộ phí trước bạ, đồng thời tặng cho khách hàng thêm nhiều quà tặng, áp dụng với crossover Forester.

Để ứng phó, các hãng ô tô, xe máy đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kinh doanh sáng tạo. Xu hướng nổi bật là việc hệ thống đặt cọc xe trực tuyến và ưu đãi mạnh tay cho hình thức này đã được các thương hiệu triển khai trong bối cảnh hoạt động mua sắm trực tiếp bất khả thi. Điển hình, tới hết tháng 9, MG Việt Nam và hệ thống đại lý chào mời nhiều phần quà hấp dẫn dành cho các khách hàng đăng ký mua các xe HS và ZS theo hình thức trực tuyến, với ưu đãi cao nhất là tặng 50% phí trước bạ.

Tương tự, Mitsubishi Việt Nam cũng mở hệ thống đặt hàng trực tuyến với mẫu đa dụng (MPV) Xpander AT đặc biệt. Người mua có thể đặt cọc từ nay tới hết 30-9 và nhận xe sau khi “kết thúc giãn cách xã hội”. Mẫu sản phẩm được lắp ráp trong nước này được đánh giá là rẻ, khi có thêm màn hình giải trí 10 inch, camera 360 độ quanh xe, cảm biến lùi... nhưng vẫn ở mức giá 630 triệu đồng như phiên bản thường.

Xe giảm giá, tặng quà giá trị cao nhưng vẫn “ế”.

Các đại lý Toyota trên toàn quốc đều áp dụng chương trình “An tâm ở nhà, nhận quà ưu đãi” cho xe Vios, trong đó người mua phiên bản G có thể nhận tới 22 triệu đồng giảm trừ vào thuế trước bạ và camera hành trình gần 5 triệu đồng.

Song song nỗ lực ưu đãi, việc tung ra xe mới để kích thích sức mua cũng là biện pháp được các nhà sản xuất triển khai. Trong vài tuần trở lại đây, bên cạnh Xpander đặc biệt, người tiêu dùng cũng có bán tải BT-50 hoàn toàn mới từ Mazda Việt Nam. Xe có 4 phiên bản 1.9 Premium (4x4); 1.9 Luxury (4x2); 1.9 AT (4x2) và 1.9 MT (4x2), giá bán khởi điểm từ 659 triệu đồng. Để tăng sức hấp dẫn, hãng thậm chí tặng 20 triệu đồng dành cho những khách hàng đầu tiên, đồng thời áp dụng chế độ vay mua xe giúp khách hàng chỉ cần trả trước từ 132 triệu đồng.

Tuy nhiên, những biện pháp kích cầu quyết liệt hầu như không có tác dụng, trong bối cảnh người tiêu dùng không còn ý định mua xe vào lúc này. Chia sẻ với phóng viên, anh Anh Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, dù rất háo hức sở hữu ô tô mới từ sau Tết nhưng tới nay vẫn chưa dám “xuống tiền”. Nguyên nhân không chỉ vì việc kinh doanh của gia đình sa sút ảnh hưởng xấu tới năng lực tài chính, mà còn anh e ngại hàng loạt phiền toái sẽ phát sinh trong các khâu sở hữu một chiếc xe mới ở thời điểm hiện nay.

Cũng theo anh Tuấn, một nguyên nhân đáng chú ý nữa là thị trường xe cũ đang tạo sức ép đáng kể lên xe mới, khi hệ thống kinh doanh này liên tục giảm giá. “Cuối tháng 8, mình có xem một chiếc Nissan X-Trail đời 2017 với giá khoảng 680 triệu đồng, thì chỉ hai tuần sau đó bên bán sẵn sàng giao xe với giá chỉ 645 triệu đồng”, anh Tuấn cho biết. Lý giải điều này, anh Việt Hoàng - một chủ showroom xe cũ tại quận Bắc Từ Liêm - cho biết, nguyên nhân chính là các doanh nghiệp kinh doanh xe cũ hiện rất cần tiền mặt để ứng phó khó khăn trước mắt, nhất là chi phí mặt bằng và lương nhân viên...

“Trước đây kinh doanh thuận lợi, công ty chỉ cần xoay vòng vốn là có thể xử lý tốt khoản chi này. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến dòng tiền mặt chững lại dẫn tới những bất cập”, anh Hoàng cho biết. Cũng theo thương gia này, một trong những lý do chính khiến nhiều người tiêu dùng hiện nay từ bỏ ý định mua xe mới, chấp nhận nhắm vào xe cũ là do có thể mang về đi luôn thay vì phải trải qua hàng loạt thủ tục phức tạp.

Hoàng Linh