Số hóa mang lại những trải nghiệm ý nghĩa cho khách hàng
Tài chính - Ngày đăng : 15:20, 07/09/2021
Tăng tốc chuyển đổi số
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn về thị trường, nguồn lực và chính sách để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và ngân hàng số lên một tầm cao mới. Trong đó, các ngân hàng năng động về công nghệ và chiến lược chuyển đổi số đã mang đến những tiện ích, dịch vụ và công nghệ ngày càng tối ưu.
Là một trong những ngân hàng tiên phong số hóa, từ nhiều năm qua, HDBank đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, nền tảng thanh toán, bên cạnh việc chuẩn bị 2 yếu tố quan trọng khác là con người và quy trình.
Tại HDBank, sự ra đời của Trung tâm Chuyển đổi số (DTC) vào năm 2020 đánh dấu bước đi mạnh mẽ của ngân hàng trong chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Song song với DTC, Khối Công nghệ thông tin & Ngân hàng điện tử (Khối CNTT & NHĐT) cũng đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự có thế mạnh về công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data, Blockchain, kỹ năng làm việc nhóm và sử dụng tốt ngoại ngữ.
Đó là những tiêu chuẩn cần có của đội ngũ cốt cán của các dự án chuyển đổi số tại HDBank, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và cả thời kỳ sau dịch bệnh, khi xu hướng Remote Job (làm việc từ xa) đang được HDBank bước đầu triển khai và mang lại hiệu quả tích cực.
Nhờ vậy, thời gian qua, HDBank đã tăng tốc triển khai số hóa một cách đồng bộ với các dự án trọng điểm như: Số hóa hành trình khách hàng tại quầy; số hóa hành trình khách hàng trực tuyến với các công nghệ tiên phong như eKYC, eKYC nâng cao tích hợp xác thực qua video call…; số hóa hệ thống truyền thông nội bộ; thu thập dữ liệu lớn; tự động hóa quy trình bằng ứng dụng công nghệ RPA; trợ lý tổng đài ảo (Voice Bot) và Neo Bank Mobile App.
Mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng
Tháng 5-2021, HDBank đã triển khai thành công số hóa hành trình mở tài khoản tại quầy thông qua ứng dụng trên máy tính bảng. Quy trình mới giúp xóa bỏ hoàn toàn các bất cập gây khó khăn và mất nhiều thời gian cho cả khách hàng và nhân viên giao dịch trước đây.
Việc ứng dụng các công nghệ mới nhất như OCR - trích xuất dữ liệu tự động từ văn bản có sẵn, công nghệ sinh trắc học giúp nhận dạng và định danh người dùng nhanh chóng và đáng tin cậy giúp giảm thời gian trung bình cho 1 giao dịch mở tài khoản từ hơn 20 phút xuống còn trung bình 5 phút cho toàn bộ hành trình bao gồm mở tài khoản và đăng ký các dịch vụ liên quan như đăng ký SMS Banking, E-Banking, Debit Card, tiền gửi thanh toán, mở tài khoản tiết kiệm...
Theo thống kê, sau 3 tháng, số hóa hành trình mở tài khoản tại quầy thông qua ứng dụng trên máy tính bảng, tỷ lệ bán chéo qua máy tính bảng hiệu quả hơn so với cách làm truyền thống với tỷ lệ đăng ký thêm dịch vụ E-Banking đạt 65% so với trước đây chỉ đạt 45%.
Tiếp nối lộ trình số hóa, tháng 6-2021, HDBank đẩy mạnh chuyển đổi số với công nghệ tự động hóa RPA. Ngân hàng đã hoàn thành giai đoạn 1 với việc đã triển khai tự động hóa các quy trình vận hành quan trọng: Tự động xử lý các yêu cầu từ khách hàng; thực hiện kiểm tra chấm công cho nhân sự… bằng trợ lý robot.
Theo kế hoạch, HDBank sẽ triển khai 50 robot trong năm 2021 và sẽ hoàn thành kế hoạch tự động hóa 500 quy trình của Ngân hàng vào năm 2023. Sự hỗ trợ của các trợ lý robot đã giúp HDBank giảm hơn 80% thao tác thủ công của nhân sự vận hành, tăng tốc độ xử lý nhanh gấp 30 lần (từ 3 phút xuống chỉ còn 5 giây/giao dịch) với tỷ lệ sai sót gần như bằng 0.
Các ứng dụng số và tự động hóa hoạt động của HDBank trong sản phẩm dịch vụ đã giúp nâng cao hiệu quả và đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng trong bối cảnh thực hiện giãn cách. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm, số lượng giao dịch E-Banking tăng gấp hai lần cùng kỳ, giá trị giao dịch cao gấp 3 lần, đạt gần 60.000 tỷ đồng.
Dự kiến, trong giai đoạn 2023-2025, HDBank sẽ mở rộng quy mô gia tăng số lượng người dùng số, tăng mức độ thâm nhập số và hướng đến gia tăng tỷ lệ giao dịch số lên mức 90% trong năm 2025 và thực hiện thành công mục tiêu trở thành Happy Digital Bank.