Bộ Y tế: Khi nguồn cung không đủ có thể sử dụng vắc xin phòng Covid-19 khác để tiêm mũi 2
Sức khỏe - Ngày đăng : 19:25, 08/09/2021
Cụ thể, nếu tiêm mũi 1 vắc xin do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; nếu tiêm mũi 1 vắc xin do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer sản xuất và ngược lại.
Để thực hiện Chiến lược vắc xin phòng Covid-19, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận nhiều loại vắc xin được sản xuất theo các công nghệ khác nhau như công nghệ vector (do AstraZeneca sản xuất, hoặc Sputnik V), công nghệ mRNA (do Pfizer, Moderna sản xuất), công nghệ bất hoạt (vắc xin do Sinopharm sản xuất). Đồng thời, các nhà sản xuất cũng đang nghiên cứu phát triển một số loại vắc xin bằng những công nghệ khác nhau.
Thời gian vừa qua, do tình hình khan hiếm vắc xin nói chung nên nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp 2 loại vắc xin cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất. Căn cứ theo loại vắc xin sẵn có tại từng thời điểm, như tiêm vắc xin vector vi rút với vắc xin mRNA, hoặc tiêm 2 loại vắc xin mRNA của các nhà sản xuất khác nhau...
Hiện nay, nước ta có 5 loại vắc xin phòng Covid-19 đang được triển khai tiêm cho người dân, gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna và Sinopharm. Các nhà sản xuất các loại vắc xin này đều khuyến cáo tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Khoảng cách lý tưởng giữa 2 mũi tiêm của các loại vắc xin là khác nhau. Cụ thể, với vắc xin AstraZeneca, mũi 1 cách mũi 2 từ 8-12 tuần; vắc xin Sputnik V, mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần; vắc xin Pfizer, mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần; vắc xin Sinopharm, mũi 1 cách mũi 2 từ 3-4 tuần; vắc xin Moderna, 2 mũi cách nhau 28 ngày.
Nhiều ngày qua, một số địa phương như Hà Nội và thành phố Hồ Chí minh có tình trạng hết vắc xin Moderna để tiêm mũi 2 cho người dân. Tại thành phố Hồ Chí Minh, một số điểm đã tiêm mũi 2 bằng vắc xin Pfizer cho người tiêm mũi 1 vắc xin Moderna. Lý do là họ đã đến lịch tiêm mũi 2 nhưng vắc xin Moderna chưa có.
Trước đó, vào đầu tháng 6-2021, Ủy ban Cố vấn quốc gia về tiêm chủng (NACI) của Canada đã cập nhật hướng dẫn của họ về vấn đề tiêm kết hợp vắc xin. Họ cho phép sử dụng vắc xin hãng Moderna và Pfizer thay thế cho nhau vì cả hai loại vắc xin này đều sử dụng công nghệ mRNA tương tự nhau.
"Những người đã được tiêm liều đầu tiên là vắc xin dùng công nghệ mRNA (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna) nên được tiêm liều thứ 2 cùng loại vắc xin mRNA. Nếu vắc xin mRNA cùng loại không có sẵn, thì một loại vắc xin mRNA khác được xem là có thể thay thế cho nhau và nên được tiêm để hoàn tất tiêm chủng", NACI khuyến nghị.
Còn tại Đan Mạch, Viện Huyết thanh quốc gia (SSI) thuộc Bộ Y tế Đan Mạch cho biết, việc kết hợp vắc xin AstraZeneca (liều 1) với liều 2 là Pfizer hoặc Moderna mang lại khả năng bảo vệ tốt.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.