Chủ động từ nhiều phía

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:03, 09/09/2021

(HNM) - Qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19 ở nước ta, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn. Hiện có tới hơn 80% sàn giao dịch bất động sản không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã lâm vào cảnh nguồn lực bị cạn kiệt, có nguy cơ phá sản nếu không được hỗ trợ kịp thời.

Thực tế cho thấy, cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong gần 2 năm qua, thị trường bất động sản đã phải hứng chịu hàng loạt khó khăn như doanh thu sụt giảm, giá vật liệu xây dựng leo thang... Trong khi đó, để phòng, chống dịch bệnh, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, khiến doanh nghiệp phải tạm ngưng kế hoạch ra hàng hoặc dừng thi công dự án, ảnh hưởng lớn tới tiến độ xây dựng, bàn giao sản phẩm... Doanh thu giảm sút nghiêm trọng, song hằng tháng, doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng văn phòng, bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền thuế... Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp phải chuyển hướng kinh doanh, tái cơ cấu, thậm chí thu hẹp hoạt động.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản rơi vào tình cảnh “khó chồng khó”, tín hiệu đáng mừng là, trước những kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan chức năng khẩn trương nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương hướng, giải pháp giải quyết, nhất là tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định về Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó có nhiều nội dung được kỳ vọng sẽ là máy “trợ thở” giúp các doanh nghiệp bất động sản vượt “bão” Covid-19...

Hằng năm, lĩnh vực bất động sản đóng góp nguồn lực không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Vì vậy, việc hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn, trụ vững và sẵn sàng phục hồi, phát triển khi dịch bệnh được kiểm soát là hết sức cần thiết. Hiện khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là thiếu “dòng tiền” nên giải pháp thiết thực nhất là giãn thời hạn nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội và tiến độ trả nợ, nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại...; đồng thời giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp. Cùng với đó là giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được tiếp cận các khoản vay với lãi suất hợp lý để có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Để vượt qua khó khăn, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng cần phải nhanh nhạy thay đổi để thích ứng với thực tế. Trong đó cần chú trọng cơ cấu lại đầu tư, chuyển hướng sang các dự án đang có nhu cầu lớn và tính thanh khoản cao, an toàn; nâng cao tính chuyên nghiệp, xây dựng tinh thần, văn hóa doanh nghiệp luôn thượng tôn pháp luật và tôn trọng lợi ích chính đáng của khách hàng. Mặt khác cần tận dụng các nền tảng công nghệ như: YouTube, Zalo, Facebook… tiếp cận khách hàng, tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm để hoạt động kinh doanh không bị ngắt quãng trong bối cảnh nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19.

Bằng sự chủ động từ nhiều phía - hỗ trợ từ cơ quan chức năng và nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp - tin rằng thị trường bất động sản sẽ sớm vượt qua khó khăn, thách thức, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Quỳnh Anh