Đổi mới đánh giá học sinh: Giảm áp lực, tăng động viên
Giáo dục - Ngày đăng : 06:17, 09/09/2021
Đánh giá không chỉ bằng điểm số
Ngày 20-7-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 5-9-2021 và áp dụng theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Cụ thể, năm học 2021-2022, áp dụng đối với học sinh lớp 6. Từ năm học 2022-2023, áp dụng đối với học sinh lớp 7, lớp 10; năm học 2023-2024, áp dụng đối với học sinh lớp 8, lớp 11 và năm học 2024-2025, áp dụng đối với học sinh lớp 9, lớp 12.
Theo thông tư, năm học 2021-2022, các nhà trường sẽ áp dụng hai hình thức đánh giá đối với học sinh lớp 6, gồm đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số. Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) Nguyễn Thị Bích Nga cho biết, nếu như quy định hiện hành tính điểm trung bình các môn học để lấy căn cứ xếp loại học lực học sinh trong học kỳ và cả năm học, thì theo quy định mới được ban hành, điểm trung bình học kỳ và cả năm học của học sinh được tính riêng cho từng môn học. Điểm mới nữa là, thay vì đánh giá kết quả học tập theo 5 mức (giỏi, khá, trung bình, yếu, kém), học sinh được đánh giá theo 4 mức (tốt, khá, đạt, chưa đạt) đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số và 2 mức (đạt, chưa đạt) đối với các môn chỉ đánh giá bằng nhận xét.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai Nguyễn Đức Lượng thông tin thêm, cùng với sự điều chỉnh cách đánh giá kết quả học tập, cách đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh cũng thay đổi. Theo đó, căn cứ vào kết quả rèn luyện, học sinh được đánh giá theo 4 mức: Tốt, khá, đạt, chưa đạt, thay vì tốt, khá, trung bình, yếu như quy định hiện hành.
Em Trần Gia Khánh, lớp 6A1, Trường Trung học cơ sở Thành Công (quận Ba Đình) bày tỏ: “Sau khi được thông tin về quy định mới, em rất mừng vì áp lực về điểm số ở nhiều môn học sẽ giảm. Mong rằng các thầy, cô giáo sẽ nhận xét kỹ những ưu, nhược điểm, nhất là những mặt còn chưa đạt, tạo cơ hội để chúng em tiến bộ”.
Phát huy thế mạnh
Cùng với các trường học trên cả nước, gần 650 trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tập huấn cho giáo viên về quy định đánh giá học sinh lớp 6 theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, với định hướng khích lệ sự cố gắng, giúp học sinh phát huy thế mạnh trong học tập, rèn luyện.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) Chu Thị Xuân Hường, nhà trường đã yêu cầu đội ngũ giáo viên tiếp tục nghiên cứu các nội dung của thông tư để thực hiện đúng. Ban Giám hiệu nhà trường cũng lưu ý giáo viên đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức; coi trọng việc động viên, khuyến khích học sinh phát huy thế mạnh, tạo cơ hội để các em khắc phục những mặt còn chưa đạt.
Còn theo cô giáo Phạm Minh Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A2, Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (huyện Mê Linh), đội ngũ giáo viên đang xây dựng các tiêu chí phù hợp cho từng hình thức đánh giá học sinh, như hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành... Trong khi đó, bà Mai Thị Tình, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Thạch Bàn (quận Long Biên) chia sẻ: “Tôi mong các thầy, cô giáo hướng dẫn, tăng cường cho học sinh làm bài thực hành, tự nghiên cứu, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Đồng thời quan tâm, động viên, khích lệ các con nhiều hơn, nhất là trong điều kiện học trực tuyến như hiện nay”.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT có nhiều điểm mới theo hướng tiến bộ, mang ý nghĩa nhân văn hơn trong việc đánh giá học sinh và bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới là phát triển năng lực, ghi nhận sự vượt trội của học sinh ở từng môn học. “Giáo viên cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn, thông tin đầy đủ để phụ huynh học sinh nắm được cách đánh giá theo tinh thần mới, đặc biệt là định hướng giảm áp lực điểm số, không so sánh giữa các học sinh với nhau; đồng thời, coi trọng đánh giá thường xuyên trong cả quá trình để tạo cơ hội cho học sinh cải thiện kết quả học tập, rèn luyện”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.