Bảo đảm an sinh cho người lang thang, cơ nhỡ
Đời sống - Ngày đăng : 06:10, 09/09/2021
Rà soát, thu dung các đối tượng lang thang
Bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tăng cường tổ chức tuần tra tìm kiếm, phát hiện người lang thang, cơ nhỡ để hỗ trợ theo quy định. Tại phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng), theo Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thị Hồng Hạnh, phường chỉ đạo lực lượng công an tuần tra, rà soát để thu dung, thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người lang thang, cơ nhỡ. Qua đó đã có 2 trường hợp được đưa lên Trung tâm Bảo trợ xã hội I Hà Nội chăm sóc theo quy định.
Đầu tháng 9 vừa qua, tại khu vực phố Trần Nhân Tông, đoạn vỉa hè gần hồ Thiền Quang và Công viên Thống Nhất (thuộc địa bàn phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) cũng xuất hiện nhóm 5 người hằng ngày vạ vật ở đây chờ xin cơm từ thiện. Qua nắm bắt tình hình, Công an phường Nguyễn Du đã tổ chức xét nghiệm Covid-19 và chuyển những người này đến Trung tâm Bảo trợ xã hội I Hà Nội.
Trước đó, tối 31-8, UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) phát hiện ông Nguyễn Văn Hai, sinh năm 1953, quê ở huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) đang lang thang tại hồ Trúc Bạch đã đưa ông đi khám sức khỏe, test nhanh Covid-19 rồi chuyển vào Trung tâm Bảo trợ xã hội I Hà Nội. Ngày 4-9, Công an phường cũng phát hiện 1 người lang thang có biểu hiện tâm thần ở trước cổng chợ Châu Long, phố Trấn Vũ. UBND phường và lực lượng công an đã phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội bàn giao người này cho Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.
Chăm sóc chu đáo cả về vật chất lẫn tinh thần
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo trợ xã hội I Hà Nội Nguyễn Văn Quảng cho biết, từ ngày 24-7 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 73 đối tượng lang thang, cơ nhỡ. Các đối tượng thường có biểu hiện thần kinh không ổn định hoặc sức khỏe yếu. Khi vào trung tâm, những người này đều được xét nghiệm Covid-19, ở khu cách ly 14 ngày, sau đó đưa về chung sống hòa nhập cùng các trường hợp khác.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội Nguyễn Văn Bằng, từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, trung tâm tiếp nhận 44 trường hợp lang thang, cơ nhỡ từ Trung tâm Bảo trợ xã hội I Hà Nội về chăm sóc, nuôi dưỡng. Tại đây, trung tâm thực hiện quy trình phòng, chống dịch nghiêm ngặt, các đối tượng được chăm sóc chu đáo về điều kiện ăn, ở.
Bà Nguyễn Thị Thà (67 tuổi, ở huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) vừa được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội VI Hà Nội chia sẻ: "Chồng mất sớm, không có nhà cửa, nơi nương tựa nên lâu nay tôi phải lang thang nhặt rác ở khu vực vườn hoa Hàng Đậu. Nhờ có chính sách của thành phố Hà Nội nên tôi may mắn được chăm sóc đầy đủ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp".
Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Dương Tuyết Nhung cho biết, từ đầu tháng 7-2021 đến nay, Hà Nội đã thu dung 133 đối tượng người lang thang, cơ nhỡ đưa về các trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng. Theo quy định trước đây, những đối tượng lần đầu được thu dung sẽ vào ở Trung tâm Bảo trợ xã hội I. Tuy nhiên, ngày 14-8-2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 2647/ UBND-KGVX yêu cầu sở, ngành, chính quyền các địa phương tăng cường hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Do số người lang thang, cơ nhỡ là người ngoại tỉnh được tiếp nhận tăng cao nên Sở đã báo cáo UBND thành phố cho phép đưa họ từ Trung tâm Bảo trợ xã hội I lên Trung tâm Bảo trợ xã hội IV chăm sóc để tránh quá tải.
Về phía chính quyền địa phương, theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, UBND quận xem việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Do đó, quận đã chỉ đạo các phường khẩn trương rà soát, thu dung, hỗ trợ người lang thang trên địa bàn.
Còn theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Thanh Xuân Nguyễn Thị Thu Trang, quận yêu cầu các phường quan tâm, phối hợp với các đơn vị chức năng hỗ trợ người lang thang có chỗ ăn, ở trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, những người lang thang, cơ nhỡ gặp nhiều khó khăn do không có việc làm và nơi ở ổn định. Đặc biệt, việc những người này thường xuyên di chuyển có nguy cơ mắc và làm lây lan dịch bệnh Covid-19. Với chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người yếu thế, các cơ quan chức năng, địa phương của thành phố Hà Nội đã có những giải pháp phù hợp, giúp người lang thang, cơ nhỡ có điều kiện được chăm sóc chu đáo.