Cả nước "chia lửa" với tuyến đầu chống Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh
Đời sống - Ngày đăng : 19:17, 09/09/2021
Sự trợ giúp hiệu quả
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh thông tin, để ứng phó với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát nhanh trên địa bàn, thành phố đã huy động 17.653 y, bác sĩ, nhân viên y tế tham gia các tuyến cơ sở, từ y tế dự phòng, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng, đến các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 ở các cấp độ. Cùng với đó, thành phố được Trung ương và các địa phương trong cả nước chi viện 6.627 y, bác sĩ, nhân viên y tế tham gia ở tất cả các mắt xích phòng, chống dịch.
“Đây là lực lượng hùng hậu, chuyên nghiệp, đã kịp thời hỗ trợ thành phố hết sức hiệu quả trong suốt thời gian qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải khẳng định.
Nói về đợt “điều quân” lớn này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam cho biết: “Ngay từ những ngày đầu khi dịch bùng phát mạnh, các đoàn nhân viên y tế đầu tiên vào thành phố Hồ Chí Minh đã được các cấp chính quyền và nhân dân thành phố đón tiếp chu đáo, lo ăn nghỉ và tạo điều kiện để các nhân viên y tế từ miền Bắc, miền Trung vào Nam sớm bắt nhịp công việc”.
Tính đến ngày 9-9, các lực lượng y tế bổ sung từ miền Bắc và miền Trung vào thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia ở tất cả các tuyến: Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19; tiêm vắc xin; làm việc tại 411 trạm y tế lưu động và 10 đội hình tăng cường ở 312 phường, xã, thị trấn của thành phố, trực tiếp quản lý, điều trị cho hơn 112.000 F0 đang điều trị tại nhà. Cùng với đó, lực lượng y, bác sĩ từ các bệnh viện Trung ương như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế còn trực tiếp tiếp nhận, điều hành và quản lý 3 bệnh viện hồi sức Covid-19 lớn của thành phố Hồ Chí Minh, với hàng chục nghìn giường, cấp cứu kịp thời cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch.
“Nhân viên y tế từ các nơi lên đường đến thành phố Hồ Chí Minh với tâm thế quyết tâm chiến thắng bệnh dịch, nên không ngại khó khăn để chia lửa với tuyến đầu. Tất cả vì mục tiêu giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống dịch”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Tăng cường chăm sóc nhân viên y tế
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã có nhiều chính sách, biện pháp để tăng cường chăm sóc nhân viên y tế nói chung và nhân viên y tế từ Trung ương và các địa phương trên cả nước về thành phố tham gia phòng, chống dịch.
“Nhân viên y tế như những người lính tuyến đầu, trực tiếp chiến đấu với kẻ thù là dịch Covid-19. Thành phố đã và đang nỗ lực hết sức để chăm sóc sức khỏe, tinh thần, vật chất; trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị cho lực lượng quan trọng này”, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải nói.
Cụ thể, ngoài việc chăm lo chỗ ăn, nghỉ, công tác hậu cần…, thành phố còn nỗ lực đảm bảo chế độ, chính sách cho nhân viên y tế chống dịch. Ngoài chế độ, chính sách hiện hành của ngành Y tế và của Nhà nước, HĐND thành phố Hồ Chí Minh còn ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ riêng của thành phố cho lực lượng từ các nơi chi viện cho thành phố. Theo đó, các nhân viên y tế, cán bộ giảng viên… được hỗ trợ 3 triệu đồng/người/tháng. Lực lượng sinh viên y khoa từ các nơi được điều động về thành phố được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Về đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe cho cán bộ, nhân viên y tế, Trưởng ban An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho biết, thành phố đã và đang nỗ lực cung cấp các suất ăn theo tiêu chuẩn 120.000 đồng/người/ngày cho hơn 6.600 cán bộ, nhân viên y tế tăng cường nói riêng và hơn 17.600 cán bộ, nhân viên y tế của thành phố nói chung đang tham gia phòng, chống dịch.
Nói về công việc này thời gian qua, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết: “Chúng tôi gặp 2 khó khăn. Thứ nhất là có đến một nửa trong số 218 cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp có năng lực cung cấp hơn 1.000 suất ăn/buổi đã đóng cửa do dịch bệnh hoặc không đảm bảo nguồn cung thực phẩm. Thứ hai là khẩu vị các bữa ăn của cán bộ, nhân viên y tế miền Bắc, miền Trung và miền Nam là khác nhau nên có thời điểm, anh chị em đến thành phố Hồ Chí Minh có bữa ăn chưa như ý”.
Để khắc phục những tồn tại này, thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực tìm kiếm nhà cung cấp suất ăn chung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng cho nhân viên y tế và lực lượng phòng, chống dịch.
“Chúng tôi đã tìm riêng những bếp nấu món Bắc, món Trung, đa dạng hóa bữa ăn và món ăn khác nhau để phục vụ anh chị em tuyến đầu. Chúng tôi cũng kiến nghị thành phố trang bị thêm lò vi sóng để những anh chị em nhận suất cơm lúc 11h, nhưng đến 14h mới có thể ăn do phải chăm sóc bệnh nhân có thể hâm nóng suất cơm của mình, sẽ dễ ăn hơn”, bà Phạm Khánh Phong Lan thông tin.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.