Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khai giảng năm học 2021-2022
Chính trị - Ngày đăng : 12:13, 09/09/2021
Buổi lễ được tổ chức trong điều kiện thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19,
Dự buổi lễ có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng. Cùng dự có nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các cơ quan trung ương và địa phương; các cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức và hơn 4.300 học viên của 95 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung K72, các học viên nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, năm học vừa qua, trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội nói chung, lĩnh vực giáo dục - đào tạo nói riêng, Học viện đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ đề ra với nhiều điểm mới, có dấu ấn nổi bật. Cùng với đó, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, Học viện đã chủ động kết hợp linh hoạt cả ba hình thức: Trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến để các hoạt động không bị gián đoạn, bảo đảm kế hoạch.
Trong năm học 2020-2021, toàn bộ hệ thống Học viện đã tổ chức đào tạo và cấp bằng cho hơn 13.700 học viên đào tạo cao cấp lý luận chính trị; tổ chức 52 lớp bồi dưỡng cho 4.400 học viên là bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp huyện; trưởng, phó các ban Đảng và cán bộ lãnh đạo, quản lý các tỉnh, thành phố. Học viện cũng đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cho hơn 2.000 học viên, sinh viên các lớp đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó có 82 cán bộ của Đảng Nhân dân cách mạng Lào.
Học viện đã chủ động cập nhật nội dung chương trình theo tinh thần các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng bằng việc tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi các hình thức kiểm tra, đánh giá hết môn học, thi tốt nghiệp bằng các hình thức phù hợp, đảm bảo chất lượng và thời gian kết thúc học phần, môn học và năm học theo kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, Học viện nâng cao tính hệ thống và quy chuẩn trong công tác các trường chính trị; tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh đối với hệ cao cấp lý luận chính trị; tập trung triển khai thực hiện tốt các đề án lớn được Đảng và Nhà nước giao phó; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phục vụ đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Xác định chủ đề của năm học 2021-2022 là “Trọng tâm - trách nhiệm - kỷ cương - nêu gương - sáng tạo”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, năm học này, Học viện tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, tập trung tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp và trực tiếp khi có điều kiện. Cùng với đó, Học viện tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án đã được Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đào tạo giảng viên lý luận chính trị; kết hợp chặt chẽ giữa công tác đào tạo, bồi dưỡng với công tác nghiên cứu khoa học; tiếp tục thúc đẩy mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị: “Mỗi giảng viên, công chức, viên chức của Học viện cần không ngừng nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Các học viên cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu của khóa học, nhận rõ niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm khi được tham gia học tập rèn luyện tại trường Đảng Trung ương mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, kết quả mà cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện đã đạt được trong năm học vừa qua.
Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ năm học mới của Học viện do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện vừa trình bày, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu một số nội dung cần triển khai trong thời gian tới. Theo đó, Học viện cần tập trung nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TƯ ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị, với yêu cầu phải tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực, sát hợp với tình hình mới nhằm bảo đảm các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và tham mưu, tư vấn chủ trương, chính sách của Học viện thể hiện rõ tầm vóc, trí tuệ, bản sắc, vai trò, tầm quan trọng không thể thay thế của trung tâm đào tạo, nghiên cứu lý luận chính trị quốc gia.
Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, với niềm tự hào được mang tên Bác, Học viện phải gương mẫu đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học là để nhận thức sâu sắc hơn nội dung, giá trị, ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - nguồn sức mạnh, động lực, to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi Cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; để mỗi cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện tiếp tục xung kích trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.
Làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là để Học viện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phấn đấu xây dựng Học viện trở thành trung tâm đào tạo quốc gia mẫu mực trong hệ thống giáo dục cả nước. “Đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương chính là để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, luôn có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể trong mọi hoạt động của Học viện”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Học viện cần chủ động xây dựng các phương án linh hoạt, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, vừa nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho cán bộ, giảng viên, học viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Học viện; đa dạng hóa hình thức đào tạo; không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, phát huy tính tích cực, sáng tạo, tự giác, tự học, tự nghiên cứu của người học, tăng cường trao đổi, thảo luận, tranh luận trong quá trình giảng dạy và học tập… Đồng thời, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng đề nghị Học viện chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với đường lối của Đảng; có trình độ chuyên môn cao, am hiểu thực tiễn, giàu năng lực sáng tạo, say mê nghiên cứu lý luận chính trị, luôn ý thức về sự cần thiết nghiên cứu các thành tựu khoa học xã hội của nhân loại, tiếp thu có chọn lọc các thành tựu đó để không ngừng hoàn thiện lý luận của Đảng trên một số lĩnh vực.
“Phải đấu tranh không khoan nhượng với sự tiếp thu, trích dẫn dễ dãi, sử dụng những kết quả nghiên cứu mới của các học giả, tổ chức nghiên cứu nước ngoài chưa được thử thách, kiểm định trong thực tiễn. Mỗi giảng viên, cán bộ nghiên cứu phải phấn đấu để có sản phẩm nghiên cứu lý luận chính trị, khoa học xã hội mang tầm khu vực và thế giới, được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, được giới khoa học xã hội trên thế giới tham khảo và trích dẫn. Bằng nghiên cứu của mình góp phần khẳng định và làm phong phú, sâu sắc thêm giá trị lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam đã được khẳng định trong thực tiễn, chứa đựng bản sắc Việt Nam, hàm chứa những giá trị phổ biến chung mà con người luôn hướng đến và theo đuổi”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, mỗi đồng chí học viên phải ý thức sâu sắc, xác định trách nhiệm, vinh dự của mình khi là học viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từ đó cùng nhau xây dựng môi trường học tập thân thiện, hiện đại, giàu tính tranh luận, trau dồi tri thức, kinh nghiệm, nâng cao năng lực tư duy để nhận thức đúng vấn đề, giúp người học có phương pháp, tự tin giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Với truyền thống và kinh nghiệm qua hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, quyết tâm chính trị cao, cùng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà khoa học nhiều thế hệ, có trình độ chuyên môn và bản lĩnh vững vàng, tâm huyết, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tin tưởng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2021-2022; đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.