Hướng dẫn, lập danh sách người đã tiêm mũi 1 vắc xin Moderna đồng ý tiêm mũi 2 Pfizer
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:41, 10/09/2021
Theo đó, căn cứ Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tiếp nhận và phân bổ hơn 5 triệu liều vắc xin Spikevax (Covid-19 Vaccine Moderna) cho các địa phương, đơn vị để triển khai tiêm chủng phòng Covid-19 kịp thời và hiệu quả.
Tại Quyết định 3400/QĐ-BYT ngày 12-7-2021 và Quyết định số 3609/QĐ-BYT ngày 28-7-2021 của Bộ Y tế về việc phân bổ vắc xin do Moderna sản xuất, đã yêu cầu các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch để bảo đảm mỗi đối tượng tiêm chủng được tiêm đủ 2 mũi vắc xin này.
Ngày 8-9, Hội đồng Tư vấn chuyên môn về sử dụng vắc xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo, trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc xin Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vắc xin khác để tiêm mũi 2. Cụ thể, nếu đã tiêm mũi 1 vắc xin do Moderna sản xuất thì mũi 2 có thể tiêm vắc xin Pfizer và ngược lại.
Hiện nay, Việt Nam đang triển khai tiêm vắc xin Pfizer và Moderna. Để bảo đảm người dân được tiêm đủ mũi vắc xin theo quy định, hiệu quả và an toàn, Bộ Y tế đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế tham mưu, báo cáo UBND tỉnh, thành phố về việc tiêm vắc xin mũi 2 vắc xin Pfizer cho những người đã tiêm mũi 1 vắc xin Moderna đủ thời gian mà không có vắc xin Moderna để tiêm mũi 2.
Sau khi được UBND tỉnh, thành phố chấp thuận việc tiêm mũi 2 bằng vắc xin Pfizer cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 vắc xin Moderna, sở y tế hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm và thông tin đầy đủ cho các đối tượng trước khi tiêm chủng về hiệu quả, tính an toàn của vắc xin để tạo sự đồng thuận cao.
Trước đó, một số địa phương như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có tình trạng hết vắc xin Moderna để tiêm mũi 2 cho người dân. Tại thành phố Hồ Chí Minh, một số điểm đã tiêm mũi 2 bằng vắc xin Pfizer cho người tiêm mũi 1 vắc xin Moderna. Lý do là họ đã đến lịch tiêm mũi 2 nhưng vắc xin Moderna chưa có.
Vào đầu tháng 6-2021, Ủy ban Cố vấn quốc gia về tiêm chủng (NACI) của Canada đã cập nhật hướng dẫn của họ về vấn đề tiêm kết hợp vắc xin. Theo đó, NACI cho phép sử dụng vắc xin hãng Moderna và Pfizer thay thế cho nhau vì cả hai loại vắc xin này đều sử dụng công nghệ mRNA.
"Những người đã được tiêm liều đầu tiên là vắc xin dùng công nghệ mRNA (Pfizer - BioNTech hoặc Moderna) nên được tiêm liều thứ 2 cùng loại vắc xin có công nghệ mRNA. Nếu vắc xin công nghệ mRNA cùng loại không có sẵn, thì một loại vắc xin mRNA khác được xem là có thể thay thế cho nhau và nên được tiêm để hoàn tất tiêm chủng", NACI khuyến nghị.
Còn tại Đan Mạch, Viện Huyết thanh quốc gia (SSI) thuộc Bộ Y tế Đan Mạch cho biết, việc kết hợp vắc xin AstraZeneca (liều 1) với liều 2 là Pfizer hoặc Moderna mang lại khả năng bảo vệ tốt.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ của Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh), việc tiêm mũi 2 bằng Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 bằng Moderna là an toàn và đã được áp dụng nhiều; ngược lại mũi 1 Pfizer, mũi 2 Moderna cũng an toàn.
Việc "tiêm trộn" vẫn xảy ra thường xuyên khi trẻ em đi tiêm chủng: Mới sinh tiêm vắc xin viêm gan siêu vi B của một hãng và lớn lên tiêm hãng khác, hay tiêm "5 trong 1" (bao gồm vắc xin viêm gan B) tiêm chủng mở rộng... Do đó, việc tiêm vắc xin từ các nhà sản xuất khác nhau là bình thường, an toàn và vẫn bảo đảm phát huy tác dụng của vắc xin.