Thành phố Hồ Chí Minh: Từng bước mở lại hoạt động kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 06:30, 10/09/2021

(HNM) - Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh - địa phương có hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động nhất cả nước. Do đó, từng bước mở lại hoạt động kinh tế theo nguyên tắc vừa bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người dân, vừa đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái “bình thường mới” có ý nghĩa rất quan trọng, giúp kinh tế thành phố Hồ Chí Minh phục hồi và kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng từ đầu năm 2022.

Sản xuất tại Công ty cổ phần Cơ khí, xây dựng, thương mại Đại Dũng, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Giang

Doanh nghiệp mong ngóng

Trong 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 609.351 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong khoảng thời gian này, số giấy phép đăng ký thành lập doanh nghiệp giảm gần 16% và có khoảng 28.000 doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động.

Từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đến nay, nhiều doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh đã cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng các phương án như: “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn uống tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ), “1 cung đường, 2 điểm đến” (1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung)... Dù đã thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh, chỉ sử dụng khoảng 30% tổng số lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp rất khó để kéo dài các phương án sản xuất trên do chi phí tăng, trong khi tâm lý người lao động không ổn định, cơ sở vật chất không bảo đảm...

Phó Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) Nguyễn Đặng Hiến cho biết, trong bối cảnh này, doanh nghiệp đang đứng trước 4 khó khăn. Đó là: Mất cân đối dòng tiền do tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh; đứt gãy chuỗi cung ứng gây nguy cơ doanh nghiệp “chết” dây chuyền; thiếu hụt nguồn nhân lực; hệ thống phân phối "đứt gãy"... Hiện, các doanh nghiệp đang ở giới hạn chịu đựng, để phục hồi trở lại, phải mất nhiều thời gian.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Chu Tiến Dũng, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cần có thông điệp sớm và rõ ràng về việc mở lại từng bước hoạt động kinh tế, đồng thời có lộ trình cụ thể để cộng đồng doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mở cửa từng bước các hoạt động kinh tế

Kiến nghị về lộ trình mở lại hoạt động kinh tế, ông Chu Tiến Dũng cho rằng, sau thời điểm ngày 15-9 khi kết thúc giãn cách xã hội, thành phố Hồ Chí Minh cần nới lỏng, phục hồi dần sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, cần xây dựng bộ tiêu chí về các điều kiện cụ thể để doanh nghiệp có thể sản xuất an toàn; không yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” hay các biện pháp hạn chế sản xuất khác. Giải pháp quan trọng hàng đầu là tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19 cho lực lượng tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh và cho phép lực lượng này được đi lại, làm việc bình thường...

Theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ phục hồi kinh tế của thành phố phụ thuộc lớn vào quy mô sự hỗ trợ từ Chính phủ và thành phố. Theo đó, cần có hai gói trợ lực để phục hồi kinh tế. Thứ nhất, trợ lực bằng gói hỗ trợ khẩn cấp (hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp). Thứ hai, trợ lực bằng tính nhất quán, ổn định của các chính sách phục hồi kinh tế.

Chủ trì nhóm nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật cho rằng, sự hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách trung ương cần đóng vai trò then chốt, bao gồm cả các hỗ trợ tức thời trong ngắn hạn và các hỗ trợ mang tính cấu trúc khi kết thúc giãn cách xã hội và tiếp tục kéo dài trong trung hạn. Cùng với đó, tính nhất quán của các chính sách phục hồi kinh tế cần được xem là trọng tâm để tạo đà cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2022.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang trao đổi, lắng nghe đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng và công bố kế hoạch “Phục hồi kinh tế tại thành phố Hồ Chí Minh” trước ngày 15-9. Thành phố sẽ mở cửa từng bước các hoạt động kinh tế, tùy theo diễn biến của tình hình dịch bệnh với tiêu chí an toàn đặt lên hàng đầu.

Từ ngày 9-9, UBND thành phố Hồ Chí Minh cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc; đội ngũ giao nhận hàng hóa trong phạm vi 1 quận, huyện được hoạt động từ 6h đến 21h hằng ngày. Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán hàng mang đi từ 6h đến 18h hằng ngày. UBND thành phố giao UBND quận 7 và huyện Củ Chi tổ chức thí điểm cho một số loại hình sản xuất, kinh doanh, công trình xây dựng... được hoạt động trở lại.

Trọng Ngôn