Lãng phí sử dụng phụ phẩm trong nông nghiệp
Nông nghiệp - Ngày đăng : 17:13, 10/09/2021
Tại hội nghị, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp với sản lượng lớn nên trong quá trình sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, tỷ lệ phụ phẩm của lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản là rất lớn.
Tổng khối lượng phụ phẩm cả nước năm 2020 là hơn 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%); khoảng 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).
Trong đó, riêng khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu từ ngành trồng trọt và chăn nuôi với hơn 13,9 triệu tấn trong năm 2020 tại Đông Nam Bộ và 39,4 triệu tấn tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Số lượng phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là rất lớn nhưng việc sử dụng vẫn chưa hiệu quả và có sự khác nhau giữa các loại sản phẩm.
Đối với phụ phẩm trồng trọt, tỷ lệ thu gom chỉ đạt 52,2% trên tổng lượng 88,9 triệu tấn; chăn nuôi có tỷ lệ thu gom là 75,1% trên tổng lượng 61,4 triệu tấn; thủy sản có tỷ lệ thu gom cao nhất với 90% trên tổng lượng phụ phẩm 1 triệu tấn và lâm nghiệp có tỷ lệ thu gom 50,2% trên tổng lượng 5,5 triệu tấn. Không chỉ tỷ lệ thu gom thấp, việc sử dụng phụ phẩm vẫn còn đơn giản, chưa tạo được giá trị gia tăng cao.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tỷ lệ các nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ để sản xuất phân bón hữu cơ ở mức khá thấp. Cụ thể, sử dụng 43% chất thải chăn nuôi; 33,2% chất thải chế biến thực vật; 17,9% phụ phẩm trồng trọt; 16,2% chất thải chế biến động vật, thủy sản...
Các đại biểu đều cho rằng, muốn gia tăng hiệu quả sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cần đổi mới về cơ chế chính sách thông qua giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu trang thiết bị, công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thu gom, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, chế biến các phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi...
Cũng về vấn đề này, ông Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam đề nghị, cần đẩy mạnh truyền thông để giúp nông dân và doanh nghiệp vào cuộc, biến phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu.