Nhiệm vụ cấp thiết

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:15, 11/09/2021

(HNM) - Dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng từ đầu năm đến hết tháng 8-2021, Bộ Giao thông - Vận tải đã giải ngân được 22.386 tỷ đồng, đạt hơn 55% kế hoạch cả năm, trong khi mức bình quân chung của cả nước là hơn 51%. Trong bối cảnh hiện nay, kết quả này rất đáng ghi nhận vì đã góp phần thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Những nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công có thể thấy rõ qua nhiều công trình lớn, quan trọng hiện đang chạy đua với thời gian để hoàn thành tiến độ đề ra. Nổi bật là nhiều dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc - Nam có tiến độ khả quan; Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023... Xét bối cảnh phải thực hiện giãn cách xã hội; chuỗi cung ứng nguyên, nhiên vật liệu bị đứt gãy; thiếu chuyên gia... thì kết quả trên là minh chứng cho sự quyết liệt, nói đi đôi với làm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó, Bộ Giao thông - Vận tải đã gắn việc giải ngân vốn đầu tư công với trách nhiệm người đứng đầu; kiên quyết điều chuyển vốn từ dự án chậm triển khai sang dự án có tiến độ tốt hơn. Đáng chú ý, với việc thành lập tổ công tác đặc biệt, nhiều vướng mắc đã được kịp thời tháo gỡ... Cách làm này mang lại chuyển động tích cực, buộc các chủ đầu tư dự án, nhà thầu phải sáng tạo, nỗ lực vượt khó.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, tiến độ giải ngân vốn phần khối lượng thi công hiện vẫn chưa đạt yêu cầu, trong khi từ nay đến cuối năm, kế hoạch giải ngân của ngành Giao thông - Vận tải phải hoàn thành là 20.914 tỷ đồng. Thời gian không còn nhiều nên đây là thách thức, đòi hỏi toàn ngành tiếp tục xác định giải ngân vốn đầu tư công phải là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết để dồn toàn tâm, toàn lực hoàn thành.

Trước mắt, theo kế hoạch của ngành Giao thông - Vận tải, khối lượng giải ngân đang tập trung ở những dự án mang tính trọng tâm, trọng điểm, phát huy tác dụng lớn với nền kinh tế khi đưa vào sử dụng như: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nâng cấp đường băng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất… Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch công việc theo từng mốc thời gian cụ thể thì chủ đầu tư cùng các nhà thầu cần thực hiện nghiêm những biện pháp phòng, chống dịch; chủ động nguồn nguyên vật liệu và có phương án ứng phó với thời tiết mùa mưa, bão…

Để nâng cao hiệu quả, các đơn vị thuộc ngành Giao thông - Vận tải cần thực hiện triệt để chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16-8-2021 về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Trong đó, phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây cản trở việc giải ngân vốn đầu tư công, để dần xóa bỏ những trì trệ do nguyên nhân chủ quan gây ra.

Đáng chú ý, cùng với triển khai thi công dự án thì việc hoàn thiện các thủ tục để giải ngân vốn cần được chủ đầu tư thực hiện song song. Đồng thời cần sát sao trong kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu, đơn vị tư vấn, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương liên quan đến dự án để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng...

Đầu tư công luôn có vai trò hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, do đó, ngành Giao thông - Vận tải cùng các đơn vị liên quan cần tiếp tục quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết này.

Thiện Mỹ