Bác sĩ tại nhà: Đối tượng nào có nguy cơ mắc đái tháo đường?
Sức khỏe - Ngày đăng : 20:41, 11/09/2021
Đáp: Một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường là ít vận động, ăn nhiều chất bột, ít chất xơ, đặc biệt là ăn nhiều cơm trắng.
Cơm trắng được chế biến từ các loại gạo đã được xay xát kỹ, có chỉ số đường huyết cao, tinh bột trong gạo trắng có thể làm quá tải lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, nguy cơ mắc tiểu đường chủ yếu liên quan tới lối sống con người hiện đại, ít vận động, ăn ít chất xơ.
Theo giới nghiên cứu, những đối tượng sau dễ có khả năng mắc bệnh đái tháo đường typ 2: Người thừa cân béo phì, chỉ số khối cơ thể cao (BMI>23); trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường ở thế hệ cận kề (ví dụ bố, mẹ đẻ, anh chị em ruột, anh chị em sinh đôi, con đẻ...); phụ nữ có tiền sử đái tháo đường trong thai kỳ, sinh con trên 4kg hoặc dưới 2,5kg; người ≥ 45 tuổi; người có nghề tĩnh tại, ít vận động.
Ngoài ra, người đã được chẩn đoán suy giảm dung nạp glucose máu lúc đói hay rối loạn dung nạp glucose (tức là tình trạng tiền đái tháo đường), người được chẩn đoán có rối loạn lipid, đặc biệt khi có HDL - cholesterol thấp (<0.9 mmol/l) và tryglycerid máu cao (≥2.2 mmol/l) cũng có nguy cơ cao mắc đái tháo đường.
Bệnh đái tháo đường typ 1 là do bệnh tự miễn dịch gây ra; còn bệnh đái tháo đường typ 2 là sự tương tác giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường mà bạn đang sống. Yếu tố môi trường, theo hiểu biết hiện nay, bao gồm: Ăn uống không khoa học, ít hoạt động thể lực và bị stress. Do vậy, bạn nên tránh những yếu tố nguy cơ này để phòng bệnh và có sức khỏe dẻo dai.