Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Phần Lan

Đối ngoại - Ngày đăng : 18:50, 11/09/2021

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan, sáng 11-9 theo giờ địa phương, tại thủ đô Helsinki, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Phần Lan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu chào mừng, Bộ trưởng Bộ Hợp tác phát triển và Ngoại thương Phần Lan Ville Skinnari thay mặt cộng đồng doanh nghiệp Phần Lan bày tỏ tin tưởng chuyến thăm chính thức Phần Lan của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ tạo ra những cơ hội và đặt nền tảng để hai bên tăng cường hơn nữa quan hệ doanh nghiệp và kinh tế.

Bộ trưởng đánh giá, ba thập kỷ qua, Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao và nhanh. Quan hệ thương mại hai nước phát triển liên tục và bền vững trong những năm qua. Bày tỏ vui mừng khi chứng kiến thành công của Việt Nam, ông Ville Skinnari cho rằng điều này mở ra cơ hội cho hai quốc gia có thể hưởng lợi rất lớn từ quan hệ đối tác về thương mại và kinh tế. 

Bộ trưởng Bộ Hợp tác phát triển và Ngoại thương Phần Lan nhấn mạnh: “Việt Nam không chỉ là đối tác ưu tiên của Phần Lan, mà Việt Nam còn là người bạn tốt trong nửa thế kỷ qua của Phần Lan kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 20 năm qua, quan hệ thương mại song phương đã đạt tổng giá trị khoảng 5 tỷ euro. Nhờ có những dấu hiệu phát triển tích cực trong khu vực tư nhân của hai quốc gia, hai nước có những cơ hội mới rất to lớn”. 

Bộ trưởng Ville Skinnari mong muốn hai bên thiết lập quan hệ hợp tác công - tư một cách hiệu quả; đồng thời nhấn mạnh thời gian qua, Việt Nam là đối tác vô cùng quan trọng đối với Phần Lan, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa; hy vọng Việt Nam có thể hưởng lợi công nghệ từ đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Phần Lan, đặc biệt trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo và lĩnh vực giáo dục trong những thập kỷ tới đây. 

Bộ trưởng Ville Skinnari bày tỏ hy vọng qua trao đổi, doanh nghiệp Phần Lan có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số. Đây là những yếu tố rất quan trọng, trong đó, đổi mới sáng tạo và tăng trưởng năng suất là những yếu tố chính để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững. Ông Ville Skinnari cho biết: “Các công ty ở Phần Lan có thể đóng góp những giá trị thực sự của mình đối với Việt Nam”. 

Cũng tại tọa đàm, Bộ trưởng Ville Skinnari thông báo Phần Lan đã phê duyệt và đồng ý hỗ trợ thêm nhiều hơn nữa các dự án sử dụng các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam. Ông Ville Skinnari nhấn mạnh: “Đây là ưu tiên rất lớn của chúng tôi. Mong muốn lớn của tôi là các doanh nghiệp của chúng ta tham gia có thể sử dụng nguồn vốn này để sử dụng vào các dự án của họ trong thời gian tới”.

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với quy mô GDP gần 360 tỷ USD. Về thành tích giảm nghèo, nếu như năm 1993, Việt Nam là một quốc gia nghèo đói với tỷ lệ 58%, thì đến nay Việt Nam chỉ còn 2,5% hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều. Đây là thành tích đã được Liên hợp quốc (LHQ) vinh danh là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ. Việt Nam đã luật hóa chương trình nghị sự về phát triển bền vững (SDGs) của LHQ đến năm 2030. 

Mục tiêu của Việt Nam trong 5 năm tới là đạt mức tăng trưởng bình quân từ 6,5% - 7%, đến năm 2030 phấn đấu trở thành nước có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan, sáng 11-9-2021 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Helsinki, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Phần Lan. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là quyết tâm rất lớn của Việt Nam, một đất nước hiện có dân số xấp xỉ 100 triệu người, đa số là người trẻ, đang trong thời kỳ dân số vàng, tạo ra thời cơ lớn cho Việt Nam để cơ cấu lại nền kinh tế, ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm. Động lực và quan điểm phát triển của Việt Nam trong thời gian tới là phát triển nhanh và bền vững, hài hòa cả về kinh tế, xã hội, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Việt Nam và Phần Lan có mối quan hệ hữu nghị thân thiết, lâu đời. Đến năm 2023, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Việt Nam mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Phần Lan trong phát triển nhanh và bền vững. Phần Lan là nước công nghiệp tiên tiến của châu Âu, không chỉ có thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm cao nhất thế giới, mà còn đứng đầu về chỉ số hạnh phúc, chỉ số phát triển con người. 

Nhấn mạnh Việt Nam cũng là nước bị ảnh hưởng nặng nề trong chiến tranh, là nước nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với quyết tâm và sự hợp tác quốc tế, trong đó có Phần Lan, Việt Nam sẽ sớm đạt được những mục tiêu phát triển của mình.

Thế mạnh hiện nay của Phần Lan là nền kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ cao, có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoàn thiện nhất thế giới, có phong trào khởi nghiệp rất mạnh mẽ. Việt Nam cũng đang đi theo hướng này và mong muốn Phần Lan chia sẻ kinh nghiệm, các nhà đầu tư Phần Lan và Việt Nam hợp tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực này. 

Việt Nam đang hết sức coi trọng phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng, các công nghệ ít carbon, cắt giảm khí nhà kính và đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hiện nay, Việt Nam đã có 17 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ASEAN+5… 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh chung với các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội cho biết chuyến công tác tại châu Âu lần này, một mặt thúc đẩy thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), một mặt vận động các nước trong Liên minh châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam mong muốn tiếp cận khoa học công nghệ, công nghệ nguồn của các nước tiên tiến. Các nước đã ký CPTPP và RCEP sẽ vào rất sớm vì các hiệp định này không tách đầu tư và thương mại riêng như EVFTA và EVIPA. Cho rằng nếu không chuẩn bị sớm sẽ bị lỡ nhịp, Chủ tịch Quốc hội kêu gọi các doanh nghiệp châu Âu, trong đó có doanh nghiệp Phần Lan đầu tư vào Việt Nam; đồng thời chia sẻ, trong chuyến thăm chính thức Phần Lan, các nhà lãnh đạo Phần Lan đều cam kết sẽ sớm phê chuẩn EVIPA để bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà đầu tư hai bên, nhất là khi bước vào thời kỳ bình thường mới, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. 

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp lớn của Phần Lan đã giới thiệu những lĩnh vực kinh doanh và mong muốn tìm hiểu về khả năng có thể tận dụng cơ hội đầu tư trong tương lai, giúp thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo cũng như phát triển các ngành phục vụ cho tăng trưởng bền vững…

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam tham dự tọa đàm đã trực tiếp trao đổi, mong muốn doanh nghiệp Phần Lan hợp tác cung cấp các giải pháp về công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số; đầu tư lĩnh vực hạ tầng logistics trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, không bị đứt gãy trong chuỗi cung ứng trong nước cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu đối với nông sản của Việt Nam; đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản, nuôi trồng rừng, bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học, công nghiệp, năng lượng mới…

Được biết, những doanh nghiệp, tập đoàn Phần Lan tham dự tọa đàm gồm: Headai, KONE, Operon, Valmet, Vaisala… chuyên về thiết bị phần cứng, công nghệ dự báo thời tiết, cung ứng những giải pháp về ra-đa để giám sát thời tiết và theo dõi ô nhiễm không khí; công nghiệp và năng lượng mới; nước và công nghệ ngành nước, phát triển cơ sở hạ tầng số dành cho việc quản lý nước hiện đại; an toàn an ninh mạng; thang máy tự động; trí tuệ thông minh, dữ liệu thông minh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển…

TTXVN