Nhận diện nguy cơ, chủ động giải pháp, bảo đảm an toàn cho người dân
Xã hội - Ngày đăng : 06:38, 12/09/2021
Nhận diện nguy cơ
- Có ý kiến cho rằng, chưa bao giờ công tác phòng, chống thiên tai lại đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay... Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
- Tôi cho rằng, đây là ý kiến đúng. Bởi thực tế, công tác phòng, chống thiên tai những năm qua dù đã được quan tâm nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, như: Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác dự báo, cảnh báo, phòng, chống những trận thiên tai lớn chưa đáp ứng được yêu cầu; một số chính quyền cấp cơ sở và người dân còn chủ quan trong phòng ngừa... Bên cạnh đó, một số đơn vị, địa phương chưa chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai hoặc đã xây dựng nhưng chưa phù hợp. Một số địa phương ven biển, khi bão đến vẫn có người dân ở lại trên lồng bè, gây nguy cơ mất an toàn và khó khăn cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn. Mặt khác, nhiều người dân còn thiếu kỹ năng ứng phó với một số loại hình thời tiết, thiên tai... Đáng chú ý, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, tập trung nguồn lực để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên thì lại phải đối mặt với những vấn đề phát sinh mới. Chưa kể, đại dịch Covid-19 đang tạo ra thách thức chưa từng có trong lịch sử. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến việc tập huấn, diễn tập các tình huống, kiểm tra công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai bị gián đoạn hoặc chưa được triển khai...
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, từ nay đến cuối năm 2021, trên Biển Đông còn xuất hiện 6-8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó 2-4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Ngoài bão, từ tháng 10 đến nửa đầu tháng 12-2021, các tỉnh miền Trung sẽ xuất hiện nhiều trận mưa lớn trên diện rộng, kéo dài gây lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt... Đây là những nguy cơ lớn, đòi hỏi phải có giải pháp phòng ngừa sớm.
- Ông có thể cho biết rõ hơn dịch Covid-19 ảnh hưởng như thế nào đến công tác phòng, chống thiên tai?
- Theo tôi, có nhiều thách thức khi thiên tai và dịch bệnh cùng lúc xảy ra. Thứ nhất, đó là làm thế nào để bảo đảm được giãn cách, không tụ tập đông người khi xảy ra các tình huống thiên tai. Ngay như ứng phó với cơn bão số 5, nhiều địa phương dự kiến sơ tán số lượng lớn dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt... Vậy làm thế nào để vừa sơ tán nhanh, vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh, thực hiện thông điệp “5K”? Chiến lược di dời tại chỗ phải ra sao để bảo đảm không lây nhiễm chéo?...
Thứ hai là về vấn đề hậu cần và giao thông. Cách nào để vừa di dời người dân hoặc đưa hàng hóa, trang thiết bị đến với người dân nhanh nhất, kịp thời nhất nhưng vẫn bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh... Thứ ba là năng lực ứng phó đồng thời thiên tai và dịch bệnh của các địa phương...
Tóm lại, khi thiên tai, dịch bệnh cùng xảy ra, các địa phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn nhân lực, phương tiện, vật tư... để xử lý.
Chủ động giải pháp
- Để bảo đảm mục tiêu vừa an toàn, giảm tổn thất do thiên tai gây ra, vừa phòng, tránh được dịch bệnh, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã và đang triển khai những giải pháp gì, thưa ông?
- Thời gian vừa qua, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã tham mưu Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chủ động rà soát, chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh. Trong đó lưu ý địa phương phải xác định rõ các loại hình thiên tai thường xuyên hoặc có khả năng xảy ra trên địa bàn; nguy cơ xâm nhập, lây nhiễm dịch Covid-19 để xây dựng phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Trong đó, các địa phương tiếp tục xác định, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai và phòng, chống dịch Covid-19 luôn là nòng cốt và cần được tập huấn thuần thục kỹ năng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Các địa phương cũng cần ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 hoặc trang bị kiến thức về phòng, chống dịch bệnh, bảo hộ y tế, được xét nghiệm nhanh Covid-19 cho lực lượng này trước khi triển khai các hoạt động ứng phó thiên tai...
- Sơ tán dân được coi là giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm thiệt hại về thiên tai. Nhưng tập trung đông người tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan dịch bệnh. Vậy làm thế nào để giải quyết mối lo này, thưa ông?
- Để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, các địa phương cần điều chỉnh kế hoạch theo hướng sơ tán dân tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung. Công trình phục vụ nơi sơ tán tập trung phải bảo đảm đủ khả năng chống chịu với thiên tai; đủ diện tích giãn cách theo quy định phòng, chống dịch Covid-19; thuận tiện cho việc chăm sóc các đối tượng yếu thế và công tác tiếp tế. Bên cạnh đó, các địa phương cần xét nghiệm nhanh Covid-19 cho người dân trước khi sơ tán tập trung. Việc thực hiện sơ tán phải triển khai trước khi thiên tai ập đến... Liên quan đến vấn đề này, các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, Bộ Y tế..., sẵn sàng triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó thiên tai, sơ tán dân tại khu vực thực hiện giãn cách xã hội, cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19...
- Như ông từng chia sẻ, để giảm rủi ro, tổn thất về thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19, vai trò của truyền thông trong nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng là rất quan trọng. Xin ông cho biết về hoạt động này?
- Thời gian qua, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã xây dựng các tài liệu truyền hình, truyền thanh; tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến, trực tiếp để tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai cho các cấp chính quyền, lực lượng chức năng và người dân…
Ngoài ra, Tổng cục cũng triển khai nhiều hoạt động truyền thông trên các nền tảng internet, điển hình là các mạng xã hội Facebook, Zalo và ứng dụng (app) phòng, chống thiên tai trên các thiết bị di động thông minh... Gần đây nhất, trong tháng 7-2021, Tổng cục đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức 2 hội nghị trực tuyến tập huấn toàn quốc cho hơn 21.000 người làm công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và cấp huyện, xã nhằm hướng dẫn phương pháp xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai trong tình hình mới; đồng thời, nghiên cứu, biên soạn, phát hành cuốn tài liệu “Sổ tay hướng dẫn phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19” cho các tỉnh, thành phố. Tổng cục Phòng, chống thiên tai cũng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng tài liệu, ấn phẩm truyền thông như video ngắn, infographic (đồ họa thông tin) hướng dẫn về kỹ năng chuẩn bị ứng phó, kỹ năng khi phải đi sơ tán để tăng cường phổ biến tại các địa phương, từ đó, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, góp phần củng cố thành trì phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trong cộng đồng...
Ứng phó với thiên tai và dịch bệnh cùng lúc xảy ra là không dễ dàng. Vì vậy, với hệ thống tài liệu phòng, chống thiên tai trong tình hình dịch bệnh đã được Tổng cục cập nhật, phổ biến, rất mong các địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên phối hợp tuyên truyền để người dân đủ kiến thức, chủ động ứng phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra...
- Trân trọng cảm ơn ông!