Không nên rập khuôn

Đời sống - Ngày đăng : 07:22, 12/09/2021

(HNM) - Việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có đối tượng là nghệ sĩ, diễn viên đang giữ ngạch viên chức hạng IV là vô cùng thiết thực. Từ đó, kịp thời động viên, khích lệ nghệ sĩ, diễn viên để họ tiếp tục cống hiến, lao động sáng tạo.

Tuy nhiên, thời gian qua, công tác triển khai xét duyệt và hỗ trợ viên chức hạng IV là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ của các đơn vị nghệ thuật còn bộc lộ nhiều bất cập, gây ồn ào trong dư luận. Điển hình như trong danh sách 99 viên chức bậc IV thuộc 6 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội được nhận gói hỗ trợ gần đây, có một số nghệ sĩ chưa thực sự khó khăn. Tuy họ đáp ứng đầy đủ tiêu chí để nhận hỗ trợ theo quy định, nhưng thực tế hoàn cảnh gia đình vẫn khá ổn định, bởi có nhiều nguồn thu nhập khác. Các nghệ sĩ này cũng đã gửi lại khoản hỗ trợ cho đơn vị để san sẻ với những người khó khăn hơn.

Trước thực tế trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 3250/BVHTTDL-NTBD đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố; các đơn vị nghệ thuật biểu diễn; Trung tâm Văn hóa nghệ thuật các tỉnh, thành phố trong quá trình rà soát đối tượng để hỗ trợ cần thực hiện công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của tập thể đơn vị, không áp dụng một cách cứng nhắc, rập khuôn. Từ đây, việc xét duyệt hỗ trợ người hoạt động nghệ thuật biểu diễn khó khăn sẽ chính xác, đúng đối tượng, bảo đảm được ý nghĩa nhân văn của chính sách này.

Người Lái Đò