Kiên trì ''mục tiêu kép''

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:06, 13/09/2021

(HNM) - Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, cũng như các loại dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, nhưng ngành Nông nghiệp Hà Nội vẫn giữ vững được đà tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường.

Tính đến hết tháng 8-2021, tổng đàn bò toàn thành phố Hà Nội tăng trưởng 3,5%; đàn lợn tăng 14%; đàn gia cầm tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Không chỉ duy trì mức tăng trưởng, các mô hình chăn nuôi theo hướng hiện đại, khép kín, an toàn sinh học, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn được mở rộng, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững.

Có được kết quả trên là do thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; phối hợp với các địa phương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho người chăn nuôi trong việc tái đàn, tăng đàn… Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội khiến khâu vận chuyển thức ăn, sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, người chăn nuôi không chỉ chịu thiệt hại khi giá bán sản phẩm giảm vì khó tiêu thụ mà còn gặp khó về đầu vào khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong những tháng gần đây.

Do đó, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người dân Thủ đô những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cấp, ngành, địa phương, nhất là người chăn nuôi Thủ đô cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mới có thể duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc, gia cầm.

Theo đó, nhiệm vụ quan trọng ngành Nông nghiệp Hà Nội cần triển khai là bám sát diễn biến thị trường, cung - cầu để định hướng cho người chăn nuôi tăng đàn, tái đàn phù hợp với thực tiễn từng địa phương; chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm, tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm. Đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, khép kín, hay vùng chăn nuôi trọng điểm của thành phố, cần có kế hoạch sản xuất gắn với phương án phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, không để bị đứt gãy chuỗi sản xuất và tiêu thụ…

Đặc biệt, để giúp người chăn nuôi phục hồi sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các cấp, ngành cần có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, khoanh, giãn nợ; tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển thức ăn, sản phẩm chăn nuôi. Cùng với đó là tiếp tục thúc đẩy nhanh việc phát triển và nhân rộng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi; có hình thức hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín để hỗ trợ người chăn nuôi sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Về phía các địa phương, cần tăng cường xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi có thương hiệu, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi; làm cầu nối giữa các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại với các doanh nghiệp lớn và thị trường.

Đối với người chăn nuôi, cần thực hiện theo đúng khuyến cáo của ngành chăn nuôi trong việc tăng đàn, tái đàn; tích cực tham gia vào các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; thay đổi quy trình sản xuất theo hướng an toàn sinh học, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển đàn vật nuôi, chắc chắn lĩnh vực chăn nuôi của Hà Nội sẽ tiếp tục giữ được tăng trưởng, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người dân Thủ đô.

Hoàng Hà