Phòng sốt xuất huyết trong mùa mưa

Xã hội - Ngày đăng : 06:17, 13/09/2021

(HNM) - Sốt xuất huyết là bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát mạnh từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm do đây là thời điểm mùa mưa, tạo môi trường thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển. Bởi vậy, bên cạnh nhiệm vụ chống dịch Covid-19, người dân không được chủ quan, lơ là trong việc diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết tại quận Hai Bà Trưng.

Ba sai lầm khiến sốt xuất huyết trở nặng

Đầu tháng 9 vừa qua, ngay sau khi xuất hiện triệu chứng đau đầu, sốt cao từ 39 đến 39,5 độ C, nghi ngờ mình mắc Covid-19, anh H.Q.Đ. (45 tuổi, ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) lập tức liên hệ với Trạm y tế phường Yên Hòa để khai báo y tế và được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm, anh H.Q.Đ. âm tính với vi rút SARS-CoV-2, nhưng lại mắc sốt xuất huyết. Rất may là nhập viện kịp thời và được điều trị tích cực, ngày 9-9, anh H.Q.Đ. đã xuất viện.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, sốt xuất huyết và Covid-19 đều có các biểu hiện ban đầu giống nhau, dễ gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền bệnh. Ngoài ra, sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như: Phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính…

“Lo lắng trước sự lây nhiễm của Covid-19, nhiều người có triệu chứng của sốt xuất huyết đã không dám đến bệnh viện để thăm khám và điều trị. Đây là một trong những sai lầm thường gặp. Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, có khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị tử vong”, PGS.TS Đỗ Duy Cường cảnh báo.

PGS.TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) cũng chỉ ra 3 sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trở nặng khó cứu chữa, đó là chủ quan không đi khám bệnh; hết sốt là khỏi bệnh và chỉ mắc bệnh một lần trong đời. Trên thực tế, sau giai đoạn sốt cao lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh cần được bác sĩ theo dõi sát sao. Ngoài ra, sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 týp ký hiệu: D1, D2, D3, D4. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng týp riêng lẻ. Vì vậy, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 týp vi rút khác nhau.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Hữu Nghị) khuyến cáo, với sốt xuất huyết sợ nhất là tình trạng sốc, thoát huyết tương, gây tình trạng cô đặc máu. Vì vậy, trong chế độ ăn, uống cho người bệnh quan trọng nhất là bù nước, điện giải như uống oresol. Bên cạnh đó, người bệnh nên uống các loại nước trái cây, nước quả ép nhiều vitamin để tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn khiến bệnh sớm cải thiện.

Chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Hữu Nghị (số 1, Trần Khánh Dư, quận Hai Bà Trưng).

Phòng, chống sốt xuất huyết song hành với Covid-19

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 8 tháng của năm 2021, cả nước ghi nhận 43.952 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc sốt xuất huyết giảm 9,35% nhưng số ca tử vong lại tăng 10 trường hợp.

Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm 2021 cho đến ngày 5-9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 535 ca mắc sốt xuất huyết phân bố tại 27/30 quận, huyện, thị xã; giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Tuy nhiên, nếu như trong tháng 6 và 7 chỉ ghi nhận 30-40 ca/tuần thì từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, số ca mắc đã tăng lên 60-70 ca/tuần. Có 7 quận, huyện nhiều ca mắc, trong đó Đống Đa dẫn đầu với 112 ca, tiếp đến là Hoài Đức 65 ca, Hai Bà Trưng 64 ca, Hoàng Mai 36 ca, Thanh Xuân 25 ca, Nam Từ Liêm 23 ca và Ba Đình 23 ca.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, so với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố giảm mạnh. Tuy nhiên, hiện đang vào mùa mưa, nguy cơ mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng, nhất là vào tháng 10, tháng 11. Do đó, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương phải tăng cường triển khai chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết. Nếu để bùng phát sốt xuất huyết sẽ rất nguy hiểm.

“Khẩu hiệu: “Không có muỗi, không có lăng quăng thì không có sốt xuất huyết” không bao giờ cũ và rất dễ thực hiện. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức phòng dịch như: Thực hiện ngủ màn, phát quang bụi rậm, úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng để tránh muỗi vằn đẻ trứng sinh ra lăng quăng…”, ông Khổng Minh Tuấn khuyến nghị.

Thu Trang