Phát hiện 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung
Chính trị - Ngày đăng : 16:07, 13/09/2021
Trình bày dự thảo báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, công tác xây dựng luật, pháp lệnh để triển khai thi hành Hiến pháp tiếp tục được Chính phủ quan tâm thực hiện. Từ ngày 1-10-2020 đến 26-8-2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 99 văn bản quy định chi tiết; đến nay đã ban hành 91/99 văn bản. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ còn có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 55 văn bản quy định chi tiết 5 luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.
Từ tháng 10-2020 đến tháng 7-2021, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.393 văn bản, phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung, 5 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Trong số văn bản trái pháp luật đã phát hiện, không có văn bản quy định chi tiết.
Về hạn chế, bất cập, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, việc ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết chưa triệt để, vẫn còn tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong xây dựng văn bản pháp luật giữa các bộ, ngành chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả…
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy, trong số những văn bản quy định chi tiết đã ban hành, có 36 văn bản được ban hành đúng thời hạn (chiếm 39,56%) và 55 văn bản ban hành chậm (chiếm 60,44%); trong đó, văn bản chậm ban hành lâu nhất là 1 năm 5 tháng, văn bản chậm ban hành ít nhất là 4 ngày, số văn bản chậm nhiều nhất là Nghị định (35/55 văn bản); cơ quan chậm ban hành thông tư nhiều nhất là Bộ Tài chính (7 văn bản).
“Trong số những văn bản nợ, có những luật được ban hành và có hiệu lực từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn nợ ban hành văn bản quy định chi tiết”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo quan tâm hơn việc nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản, kiểm soát thủ tục hành chính và theo dõi thi hành pháp luật. Đối với 5 luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, năm 2022, đề nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết, chuẩn bị điều kiện cần thiết để khi luật có hiệu lực, được thực thi nghiêm túc.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan rà soát lại báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để bảo đảm không chỉ Chính phủ mà Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao cùng báo cáo; không chỉ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra mà còn có sự tham gia của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
“Đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ hai về tình hình thực hiện nghị quyết đặc thù của các địa phương và cơ chế, chính sách đặc thù của một số ngành, đơn vị, địa phương và báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.