Taliban sau khi công bố thành viên chính phủ tại Afghanistan: Đối mặt hàng loạt khó khăn

Thế giới - Ngày đăng : 06:40, 14/09/2021

(HNM) - Đã một tháng trôi qua kể từ khi Taliban tuyên bố giành quyền kiểm soát Afghanistan nhưng đến nay lực lượng này vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn đang bủa vây trong việc củng cố quyền lực và ổn định đất nước. Sau khi Thủ tướng và các thành viên trong nội các của Afghanistan được công bố, cộng đồng quốc tế đang theo dõi tiến trình này với sự thận trọng.

Người dân Afghanistan xếp hàng dài ở bên ngoài một ngân hàng để rút tiền.

Vào tuần trước, Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid đã công bố danh sách các thành viên chính phủ. Theo hãng tin BBC, việc công bố nội các là một bước quan trọng trong việc điều hành đất nước. Tuy nhiên, tất cả các nhân vật trong nội các được công bố hôm 7-9 đều là những gương mặt kỳ cựu của Taliban và không có một gương mặt phụ nữ nào lọt vào danh sách dù lực lượng này từng nhấn mạnh, họ muốn thành lập một chính phủ toàn diện.

Một điều chắc chắn là lực lượng này cùng ban lãnh đạo mới được chỉ định sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể trên nhiều lĩnh vực. Afghanistan hiện đang gặp tình trạng hạn hán nghiêm trọng đe dọa hơn 12 triệu người, tương đương với 1/3 dân số. Giá thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác đã tăng vọt, trong khi hầu hết các ngân hàng bắt đầu mở cửa trở lại nhưng với lượng tiền mặt hạn chế. Và giống như nhiều quốc gia, nền kinh tế của nước này đã chịu tổn hại bởi đại dịch Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc có xu hướng tăng và tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp, trong khi các cơ sở y tế công thiếu kinh phí trầm trọng.

Bên cạnh đó, những thách thức về tài chính cũng là điều không dễ vượt qua. Khoảng 9,4 tỷ USD tài sản dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan đã bị đóng băng ngay sau khi Taliban tiến vào Kabul. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đình chỉ hơn 400 triệu USD dự trữ khẩn cấp và Liên minh châu Âu (EU) cũng tạm dừng kế hoạch phân bổ 1,4 tỷ USD viện trợ cho Afghanistan đến năm 2025. Trong 20 năm qua, Mỹ và các quốc gia khác đã tài trợ phần lớn ngân sách phi quân sự của Chính phủ Afghanistan. Khi viện trợ của Mỹ ngừng lại và hàng tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương bị đóng băng, lực lượng Taliban sẽ phải tìm các biện pháp khác để trả lương, hỗ trợ người dân và tái thiết cơ sở hạ tầng.

Một vấn đề khác cũng không hề suôn sẻ là sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Theo hãng Aljazeera, ông Mohammad Hasan Akhund, người được Taliban lựa chọn làm Thủ tướng trong Chính phủ mới đang nằm trong danh sách trừng phạt của Liên hợp quốc. Một nhân vật chủ chốt khác là Sirajuddin Haqqani, người được giao vị trí Bộ trưởng Nội vụ thì đang bị Mỹ xếp vào danh sách khủng bố. Trong khi các quốc gia khác còn đưa ra những phản ứng thận trọng, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, Taliban đã không giữ lời hứa với cộng đồng quốc tế sau khi tiếp quản quyền lực ở Afghanistan và do đó Paris sẽ không công nhận Chính phủ mới do lực lượng này thành lập. Phát biểu với France 5 TV, quan chức này khẳng định: "Pháp từ chối có bất kỳ quan hệ nào với chính phủ này".

Theo Reuters, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani vừa có cuộc gặp Thủ tướng được Taliban chỉ định Mohammad Hasan Akhund vào ngày 12-9, trong chuyến thăm cấp cao nhất của quan chức nước ngoài tới Kabul kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan. Qatar được coi là một trong những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đối với lực lượng Taliban. Ngoại trưởng Qatar đã kêu gọi “những nhà lãnh đạo mới” của Afghanistan tập hợp tất cả các bên để “tham gia hòa giải dân tộc”. Dù vậy, chuyến thăm này vẫn chưa thể nâng tầm ngay vị thế quốc tế của Taliban trong cộng đồng quốc tế khi nhiều nước lớn vẫn giữ thái độ thận trọng trong việc có thiết lập quan hệ với chính quyền do Taliban lập nên hay không.

Có thể thấy, lộ trình tương lai của quốc gia này vẫn còn để ngỏ trong khi cộng đồng quốc tế chờ đợi những cam kết và hành động thực tế của lực lượng Taliban trong thời gian tới.

Minh Hiếu