Đề xuất dùng nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động
Đời sống - Ngày đăng : 18:13, 15/09/2021
Ngày 15-9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thông tin về tình hình, tiến độ hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đồng thời đề xuất một loạt kiến nghị mới nhằm chăm lo đời sống người lao động.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ 27-4) đến 13-9 đã có 44.554 ca nhiễm là công nhân, viên chức, lao động tại địa bàn 51 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương. Từ ngày 9-7 đến nay, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể; trên 2 triệu công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc do người lao động bị cách ly, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa.
Để đồng hành cùng cả nước chống dịch Covid-19, kịp thời chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ người lao động, các cấp công đoàn đã và đang triển khai các nội dung chính như: Chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 4.375,882 tỷ đồng; tăng cường dinh dưỡng cho đội ngũ y tế tuyến đầu tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam; hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang lao động, sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”; lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp, miễn đóng đoàn phí với người lao động bị ảnh hưởng; triển khai chương trình tiêm vắc xin cho công nhân.
Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình cho thấy, đời sống người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Số được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 còn rất thấp. Cụ thể là theo báo cáo của 27 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố cho thấy mới có 1.163.017 đoàn viên, người lao động trong tổng số 16.200.000 người được nhận.
Từ đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị bổ sung đối tượng người lao động chưa được ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội cũng được quan tâm hỗ trợ như đối tượng không có quan hệ lao động (lao động tự do) nêu trong Nghị quyết số 68/NQ-CP và phải được hỗ trợ kịp thời để giảm bớt khó khăn cho người lao động. Ngoài ra, đề nghị bổ sung các đối tượng là viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công khác như nhà khách, trung tâm văn hóa, cơ sở đào tạo nghề… cũng được hưởng chính sách tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.
Hiện nay, doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ” chỉ duy trì việc làm được cho khoảng 30-50% người lao động, do đó có một bộ phận lớn phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương đang gặp khó khăn nhưng không được hưởng hỗ trợ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị những đối tượng này cũng được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Tương tự như trên, đề nghị sửa Điều 17 Quyết định số 23/QĐ-TTg theo hướng người lao động khi bị ngừng việc từ 14 ngày trở lên theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động thì được hỗ trợ mà không cần thêm điều kiện là "tại các doanh nghiệp trong vùng phong tỏa, cách ly hoặc tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Đặc biệt, Tổng Liên đoàn Lao động đề nghị xem xét dùng nguồn kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho tất cả người lao động đã và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên để động viên và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người lao động. Đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách xã hội, gói an sinh mới thiết thực, hiệu quả hơn cho người lao động trong thời gian tới.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách - pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ vừa có báo cáo về tổng số kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 chuyển sang năm 2021 là hơn 89.100 tỷ đồng. Ngoài ra, số kết dư của Quỹ ốm đau, thai sản năm 2021 cũng đang có gần 12.800 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là hơn 53.700 tỷ đồng; Quỹ hưu trí, tử tuất khoảng hơn 789.100 tỷ đồng.