Hiệu quả từ công nghệ QR Code

Xe++ - Ngày đăng : 15:59, 16/09/2021

(HNM) - Trong những năm gần đây, công nghệ QR Code (Quick Response Code - mã phản hồi nhanh) được ứng dụng phổ biến.

QR Code do Denso Wave, công ty con của Toyota tạo ra năm 1994, có khả năng lưu giữ lượng thông tin lớn gấp hàng trăm lần với nhiều định dạng ký tự khác nhau. Ban đầu, mã QR được chuộng trong giới marketing và các nhà quảng cáo, bởi sự khoa học và tính tiện dụng so với cộng nghệ mã vạch trước đó.

Các đặc tính kỹ thuật của mã QR đã được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và Ủy ban Điện quốc tế (IEC) công bố thành chiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 18004:2000 (hiện nay là ISO/IEC 18004:2015). Việt Nam có tiêu chuẩn quốc gia về mã QR là TCVN 7322:2009 (chấp nhận tiêu chuẩn ISO/IEC 18004:2006).

Nhờ phát huy hiệu quả, công nghệ QR Code được sử dụng nhiều trong các ứng dụng khai báo y tế. Trên các ứng dụng “quốc dân” như VHD, Ncovi, Sổ sức khỏe điện tử, mỗi người dân sẽ được cấp một mã QR. Sau khi khai báo về tình hình sức khỏe, dịch tễ, lộ trình di chuyển... thông tin sẽ được cập nhật trực tiếp vào mã QR.

Cơ quan chức năng chỉ cần quét QR Code này để kiểm tra các thông tin, thay vì phải dùng giấy và đối chiếu như phương pháp truyền thống. Trong lĩnh vực kinh doanh, QR Code cũng sớm được áp dụng để thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, trung tâm thương mại...

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ truy vết, chống dịch Covid-19, Chính phủ còn đặt mục tiêu mỗi người dân sẽ có danh tính số kèm mã QR vào năm 2025. Khi đó, người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số thông qua mã QR với mục tiêu cá thể hóa suốt cuộc đời, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng và không giấy tờ.

Trần Nhân