Giúp nhau trong đại dịch

Xã hội - Ngày đăng : 06:21, 16/09/2021

(HNNN) - Yêu thương, nhân ái, đoàn kết, đồng lòng là truyền thống quý báu của dân tộc ta, điều đó được thể hiện rõ nhất mỗi khi đất nước lâm vào tình thế khó khăn. Những mô hình hay, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân trong thời gian gần đây nhằm giúp đỡ những hộ gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là minh chứng rõ nét cho truyền thống quý báu ấy.

Đội hình “IT áo xanh” huyện Đông Anh hỗ trợ công nghệ cho học sinh.

Những hành động đẹp

Ngay sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, trên các trang mạng, người dân Thủ đô đã nhanh chóng thành lập những nhóm tự nguyện giúp nhau, chia sẻ từ thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho tới kinh nghiệm “vượt Covid”, như nhóm “Hà Nội - Giúp nhau mùa dịch”. Nhóm đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... để rà soát các hộ gia đình gặp khó khăn, kết nối với nhà hảo tâm để hỗ trợ chính xác, hiệu quả. Trên trang Facebook của nhóm, bên cạnh dòng thông tin về các địa điểm hỗ trợ, số điện thoại của y, bác sĩ tư vấn online, lời giới thiệu giúp nhau có việc làm, những chỉ dẫn để tiếp cận các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm... là lời cảm ơn chân thành từ những người được nhận sự trợ giúp.

Trong mùa dịch không chỉ xuất hiện những nhóm giúp đỡ người gặp khó khăn có đủ nhu yếu phẩm hằng ngày. Thời gian qua, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng như hạn chế lượng người ra đường trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã phát bản đăng ký thực hiện “Gia đình an toàn Covid-19”. Theo đó, các gia đình cam kết chấp hành nghiêm thông điệp “5K” ở mọi lúc, mọi nơi, tự theo dõi sức khỏe hằng ngày của các thành viên trong gia đình. Ngay lập tức, trên địa bàn Thủ đô xuất hiện mô hình “vùng xanh” và các nhóm xã hội chung tay ủng hộ cả về vật chất và tinh thần cùng lực lượng phòng, chống dịch đang ngày đêm trực chốt, kiểm soát “vùng đỏ”, bảo vệ “vùng xanh”.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung lực lượng quyết tâm bảo vệ các “vùng xanh”, đảm bảo sự an toàn của người dân trước đại dịch Covid-19, huyện Phúc Thọ có sáng kiến tổ chức Hội thi trực tuyến “Yêu nước, hãy ở nhà! Gia đình thêm gắn kết”. Bài thi là những bức ảnh hoặc video clip ghi lại những bữa cơm đầy đủ thành viên trong gia đình, hoặc các thành viên cùng xem một bộ phim, đọc sách, làm việc nhà, chăm sóc hoa cây cảnh, hoạt động thể dục thể thao. Đó là việc làm góp phần động viên cộng đồng, các gia đình quan tâm tới nhau nhiều hơn, sống vui sống khỏe, chia sẻ khó khăn để cùng nhau vượt qua những ngày giãn cách bí bách.

Hay đơn giản hơn, với suy nghĩ một người đi chợ giúp 5 người sẽ giảm được 5 người ra đường, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Việt Hưng, quận Long Biên (Hà Nội) đã nhân rộng mô hình “Đi chợ giúp nhau”; thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) triển khai mô hình “Chợ bình ổn thời Covid-19” giúp người dân có thể ở tại nhà mà vẫn có đủ lương thực, thực phẩm cần thiết.

Không chỉ quan tâm đến đời sống người dân, Đoàn Thanh niên và Hội đồng Đội huyện Đông Anh phối hợp với Phòng giáo dục và Đào tạo huyện phát động chương trình “Máy tính trao em - Vượt qua đại dịch”, huy động nguồn xã hội hóa để giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn có máy tính, điện thoại di động phục vụ việc học trực tuyến... Bên cạnh đó, Huyện đoàn Đông Anh còn thành lập 195 Đội hình “IT áo xanh” tại tất cả các thôn làng, tổ dân phố với nhiệm vụ đến từng nhà cài đặt, hướng dẫn học sinh sử dụng máy tính, điện thoại di động vào việc học tập một cách an toàn. Ngay từ giữa tháng 7, Quận đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên quận Hai Bà Trưng triển khai mô hình “Phòng khám online”, sẵn sàng tư vấn từ 8h đến 22h hằng ngày để giải đáp thắc mắc về sức khỏe cho người dân qua điện thoại...

Hơn thế, hiện có nhiều trang Facebook của các phường, xã, thị trấn với thông điệp đầy xúc động như “Tôi yêu phường...”, “Tôi yêu xã...”, cùng với đó là thông tin về việc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Các trang Facebook “Tôi yêu phường...” này hết sức gần gũi, thiết thực đối với công tác phòng, chống dịch, có sức lan tỏa mạnh mẽ với sự tương tác của hàng triệu người dân...

Khi toàn dân đồng lòng

Với đại đa số người Việt, nghĩa đồng bào chính là “liều thuốc tinh thần” quan trọng giúp mỗi người có thêm động lực, “sức đề kháng” tốt để vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

Anh Nguyễn Phan Huy Khôi, Trưởng nhóm “Hà Nội - Giúp nhau mùa dịch” khẳng định: “Nhóm sẽ cố gắng đóng vai trò là đơn vị điều phối, tận dụng sự ưu việt của mạng xã hội để bà con chia sẻ thông tin về khó khăn của bản thân, cung cấp thông tin về khó khăn của những người xung quanh mình, đồng thời hỗ trợ các nhà hảo tâm tìm đến đúng địa chỉ đang cần giúp đỡ. Đó cũng là cách để nhóm góp phần cùng Thành phố giúp người dân thêm vững tin vượt qua đại dịch”.

Theo anh Thịnh Vinh, Bí thư Huyện đoàn Đông Anh, những hoạt động tình nghĩa đơn giản là sự sẻ chia cần thiết mà bất cứ ai trong hoàn cảnh khó khăn cũng sẽ thực hiện. “Các em thiếu máy tính, điện thoại di động để học online thường là những em có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Em thì mồ côi cha mẹ và đang ở với ông bà, em thì bố bị tai nạn, mất sức lao động mà nhà lại đông anh em... Chính vì thế, đây là lúc học sinh cần sự chung tay giúp đỡ, sẻ chia để các em có điều kiện học tập và rèn luyện tốt nhất. Chúng tôi tự hào vì đã cùng các bạn trẻ huyện Đông Anh góp một phần sức lực vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, trở thành học sinh tốt, sau này cống hiến xây dựng quê hương”, anh Vinh chia sẻ.

Với chị Trần Thị Thái Hà, Chủ tịch Hội LHPN phường Việt Hưng (quận Long Biên), công việc của các chị đang làm tuy nhỏ bé nhưng mang ý nghĩa lớn, giúp người dân giữ khoảng cách an toàn để phòng dịch. “Mỗi người đi chợ hộ cho 4 - 5 hộ gia đình nghĩa là giảm 4 - 5 người đi chợ. Ban đầu, phường có 16 nhóm nhưng giờ đây đã phát triển lên 35 nhóm “đi chợ hộ” tại 13 tổ dân phố. Số lượng người đi chợ giảm, chợ bớt đông đúc nghĩa là mục tiêu giãn cách sẽ đạt được, người dân sẽ an toàn và an tâm ở yên tại nhà chống dịch. Đó cũng là mục tiêu mà chúng tôi cố gắng nỗ lực mỗi ngày...”, chị Hà tâm sự.

Có thể thấy, càng gian khó, những mô hình, nhóm, hội lập ra để giúp đỡ nhau ngày càng nhiều. Dịch Covid-19 đã và đang là mối đe dọa về nhiều mặt đối với xã hội, nhưng nó cũng là phép thử đối với khả năng ứng phó, điều hành của chính quyền và thái độ, bản lĩnh của mỗi người dân. Khi triệu con tim chung nhịp đập quyết tâm, đồng hành vượt khó, chắc chắn dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, cuộc sống người dân sẽ dần ổn định.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Khánh Linh