Tìm giải pháp xây dựng nền giáo dục thực chất
Giáo dục - Ngày đăng : 16:47, 16/09/2021
Trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm từ thực tiễn, các ý kiến tại hội thảo đã chia sẻ các giải pháp để thực hiện “học thật, thi thật, nhân tài thật”, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà. Trong đó, nội dung được nhiều đại biểu đề cập là giáo dục thực chất ở bậc đại học.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, để “học thật”, nhà trường cần hình thành và phát triển cho người học những phẩm chất, tri thức, kỹ năng, năng lực thực sự để người học có đủ khả năng, sự tự tin sử dụng những tri thức này trong hoạt động nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường cần “dạy thật”, tức là dạy những nội dung thiết thực, đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực của xã hội đối với từng ngành, nghề.
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất quan điểm, để có nền giáo dục thực chất, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm: Chính sách giáo dục, chương trình đào tạo, phương pháp dạy và kiểm tra đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng hoạt động hướng nghiệp, gắn với quy hoạch, dự báo nhu cầu lao động, đầu tư hoạt động nghiên cứu khoa học…
Theo Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, nhà trường đã và đang định hướng xây dựng hoạt động giáo dục, đào tạo thực chất với quan điểm: “Lấy giảng viên và sinh viên làm trung tâm, chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu”. Đây cũng là định hướng của nhiều cơ sở đào tạo hiện nay. Với định hướng này, trường đại học cần thực hiện giải trình với xã hội về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp. Đây là chỉ báo quan trọng để đo lường mức độ đáp ứng của chất lượng giáo dục đối với nhu cầu của thị trường lao động. Ở góc độ quản lý, nhà trường cần thay đổi phương thức quản trị, gắn với trách nhiệm giải trình. Đồng thời, cần tăng cường sự tham gia của đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo để nâng chất lượng…