Bài 3: Nỗ lực vượt khó

Đời sống - Ngày đăng : 06:23, 16/09/2021

(HNM) - Những quy định về phòng, chống dịch bệnh mà thành phố Hà Nội quyết tâm thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội đòi hỏi phải có sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân. Thấm nhuần Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những cán bộ dân vận tại cơ sở đã nỗ lực vượt khó khăn, kiên trì tuyên truyền, vận động, giúp người dân đoàn kết, thực hiện nghiêm các chủ trương của thành phố.

Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ quận Ba Đình trao quà cho thành viên mô hình “Bữa cơm ấm tình” trên địa bàn. Ảnh: Nguyên Anh

Những kinh nghiệm quý giá

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến đời sống vật chất, tinh thần của người dân chịu nhiều tác động. Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân vận thôn Trung, xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức) Trần Văn Tại cho biết, việc phải tổ chức đám hiếu, đám hỷ theo quy mô không quá 5 người để bảo đảm chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch là việc không dễ thực hiện.

“Để người dân đồng thuận, ngoài việc “khéo” vận động còn phải huy động sự vào cuộc của các đảng viên là người thân trong các gia đình có tin vui. Từ đó, nhiều gia đình định tổ chức đám hỷ ở thôn Trung đã tạm hoãn. Nhiều gia đình ban đầu chưa thông, nhưng khi tổ dân vận vào cuộc, các gia đình đã hiểu và chấp hành nghiêm quy định giãn cách xã hội để bảo đảm an toàn cho họ và cộng đồng”, ông Trần Văn Tại chia sẻ thêm.

Trong khi đó, để thực hiện chủ trương của Thường trực Quận ủy Tây Hồ kêu gọi các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ, khối dân vận quận Tây Hồ đã vượt qua nhiều khó khăn vì đây là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Bí thư Đảng ủy phường Xuân La Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, để có được sự đồng thuận của các chủ nhà trọ, tổ trưởng tổ dân vận, các tổ chức chính trị - xã hội đã xuống từng hộ có nhà cho thuê giải thích và thuyết phục.

Theo Trưởng ban Dân vận Quận ủy Ba Đình Nguyễn Thị Minh Hồng, phong trào thi đua “dân vận khéo” đã phát huy thế mạnh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Có những phường trên địa bàn quận đã nấu 1.000 suất cơm dẻo, canh ngọt mỗi ngày từ khi dịch bệnh bùng phát để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu với kinh phí hoàn toàn từ nguồn đóng góp tự nguyện.

Tuy nhiên, công tác vận động không phải lúc nào cũng thuận buồm, xuôi gió. Bí thư Chi bộ khu dân cư số 2, phường Bưởi (quận Tây Hồ) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong quá trình vận động ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19, vẫn còn người dân chưa thực sự tin tưởng hay hiểu sai về ý nghĩa của quỹ. Tuy nhiên, hơn 1,4 tỷ đồng được các tổ chức, cá nhân gửi về UBND phường Bưởi đã tạo sức lan tỏa rất lớn. Nhiều người từ chỗ chưa đồng tình lại góp cả tháng lương hưu để Nhà nước thêm nguồn lực phòng, chống dịch.

Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng chia sẻ, trong quá trình triển khai vận động ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19, cán bộ chủ chốt của quận và các phường là những người đầu tiên hưởng ứng, khiến người dân thêm tin tưởng. Điều đó giúp quận Tây Hồ quyên góp được hơn 25,2 tỷ đồng, là một trong những đơn vị dẫn đầu của thành phố.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân, người trực tiếp xuống địa bàn “4 cùng” với nhân dân trong khu cách ly phường Chương Dương từ ngày 31-7 chia sẻ, những ngày đầu áp dụng quyết định cách ly y tế, không ít người dân thiếu hợp tác. Kiên trì vận động và nỗ lực làm tốt công tác hỗ trợ chính là cầu nối để người dân thêm tin tưởng vào quyết định của cấp ủy, chính quyền.

Chủ động, sáng tạo

Từ chủ trương của Thường trực Quận ủy Tây Hồ về việc kêu gọi các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ cho lao động kẹt lại địa bàn do dịch bệnh, nhiều người dân đã nhận được những khoản hỗ trợ ý nghĩa từ các chủ nhà trọ. Chia sẻ tình cảm khi vừa nhận được nhu yếu phẩm hỗ trợ của bà Lê Thị Vinh (tổ dân phố 12, phường Yên Phụ), vừa được giảm 50% tiền thuê trọ trong 2 tháng, chị Trần Thị Nhật cho biết: “Tấm lòng của bác Vinh thật đáng quý, giúp chúng tôi thêm ấm lòng, quyết tâm “ai ở đâu ở yên đó” để sớm chiến thắng dịch bệnh”. 

Cùng với những thuận lợi có được từ niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân, đại dịch Covid-19 đã khiến công tác dân vận buộc phải có những thay đổi. Trưởng ban Dân vận Quận ủy Thanh Xuân Bùi Thu Trang chia sẻ, đại dịch là thực tiễn chưa từng có tiền lệ với vô vàn khó khăn. Mỗi cán bộ dân vận hơn lúc nào hết phải nỗ lực vào cuộc, vừa “khéo” tuyên truyền, vận động, vừa tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể điều phối hợp lý để có thể duy trì nguồn lực xã hội hóa bởi dịch bệnh sẽ là “cuộc chiến” lâu dài, qua đó hỗ trợ hiệu quả nhất cho người dân yếu thế.

Triển khai công tác dân vận tại địa bàn thuộc “vùng đỏ” của Thủ đô, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ, cán bộ khối dân vận chịu áp lực rất lớn. Từ tham gia trực chốt “vùng xanh”, giám sát người dân thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, thực hiện “khoanh vùng, truy vết” trong khoảng thời gian ngắn… đến việc phối hợp với các đoàn thể thực hiện hoạt động thiện nguyện. Đây là đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng bởi dân an thì việc thực hiện nguyên tắc “Ai ở đâu, ở yên đó” mới có thể thành công.

Trong khi đó, theo Trưởng ban Dân vận Quận ủy Tây Hồ Trần Thị Thu Hường, tận mắt chứng kiến và cảm nhận sự gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên ở cơ sở cũng như của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền trong việc phòng, chống dịch Covid-19 chính là thực tiễn sinh động nhất để người dân thêm tin tưởng vào Đảng, chính quyền.

Đánh giá cao sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của hệ thống dân vận toàn thành phố trong phòng, chống dịch Covid-19, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho rằng, hơn lúc nào hết, khối dân vận các quận, huyện, thị ủy đã vượt qua nhiều khó khăn, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, bám sát diễn biến dịch bệnh để có thể tham mưu đắc lực với cấp ủy triển khai những mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần từng bước cùng thành phố bước sang giai đoạn bình thường mới.

(Còn nữa)

Hương Ly