Vừa chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh
Đời sống - Ngày đăng : 19:16, 16/09/2021
Kiểm soát chặt tại các chốt trực ra - vào thành phố
Báo cáo tại giao ban, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, tính từ 18h ngày 15-9 đến 12h ngày 16-9, thành phố có 13 trường hợp F0, trong đó, 12 ca ở khu cách ly và 1 ca ở khu vực phong tỏa. Trên địa bàn Hà Nội còn 65 điểm phong tỏa. Thành phố đã lấy được hơn 4,1 triệu mẫu xét nghiệm, qua đó phát hiện 23 ca dương tính.
Tính đến 15h ngày 16-9, toàn thành phố đã tiêm được thêm hơn 110.000 mũi vắc xin, đưa tổng số mũi vắc xin đã tiêm lên hơn 5.400.000 mũi; trong đó có hơn 4.900.000 mũi 1, hơn 552.000 mũi 2.
“Sở Y tế đề nghị tiếp tục kiểm tra việc thực hiện quy định phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh thuộc 19 địa phương vừa được phép hoạt động kể từ 12h ngày 16-9. Đồng thời, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, triển khai trạm y tế lưu động; tiếp tục xét nghiệm sàng lọc với người ho, sốt, khó thở ngoài cộng đồng”, đồng chí Vũ Cao Cương nhấn mạnh.
Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, đến nay, Công an thành phố đã cấp giấy đi đường cho hơn 354.000 cá nhân và hơn 400.000 giấy đi chợ mẫu mới. Từ 12h ngày 16-9, thành phố cho phép 19 địa phương mở lại một số hoạt động, dịch vụ kinh doanh, do đó, Công an thành phố đề xuất thành phố cho phép tiếp tục cấp giấy đi đường theo các nhóm đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, Công an thành phố cũng kiến nghị sớm có hướng dẫn cụ thể về việc kiểm soát người và phương tiện tại vùng 1, vùng 2, vùng 3, cũng như cơ chế kiểm soát liên vùng.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm cho biết, căn cứ Văn bản số 3084/UBND-KGVX ngày 15-9 của UBND thành phố về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, Sở đã phối hợp các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai việc ứng dụng quét mã QR cho toàn bộ người dân, các nhà hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị...
“Đề nghị 19 địa phương vừa được nới lỏng chỉ đạo các lực lượng tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh tạo mã QR để phục vụ công tác phòng, chống dịch”, đồng chí Nguyễn Thanh Liêm nói.
Tại giao ban, đại diện các cơ quan, đơn vị cũng đã báo cáo về tình hình tiêm vắc xin, xét nghiệm cũng như đề xuất một số giải pháp để vừa thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa chống dịch hiệu quả.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, dù không nằm trong danh sách 19 địa phương được nới lỏng hoạt động từ 12h ngày 16-9, song quận đang chuẩn bị kỹ các bước để có thể cho phép một số hoạt động kinh doanh trở lại và mong muốn thành phố sớm chỉ đạo thời gian áp dụng việc nới lỏng trên địa bàn.
Tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh
Kết luận phiên giao ban, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Ban Cán sự đảng UBND thành phố vừa báo cáo Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy về kết quả phòng, chống dịch đến ngày 15-9. Đến nay, thành phố đã xét nghiệm được 85% số người theo kế hoạch, tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 đạt 93,18%. Trong đó, số người còn lại chưa được tiêm là nằm trong đối tượng chống chỉ định, người già có bệnh nền sức khỏe yếu, không đủ điều kiện tiêm chủng.
Khẳng định chiến dịch tiêm vắc xin và xét nghiệm đã được các cấp, ngành nỗ lực hoàn thành theo kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo cần tiếp tục rà duyệt để xây dựng ngay kế hoạch tiêm mũi 2.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp và đưa ra chỉ đạo cụ thể những giải pháp, công việc mà thành phố sẽ triển khai trong giai đoạn hiện nay và sau ngày 21-9 đối với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn mới, trên quan điểm thận trọng, nới lỏng nhưng phải bảo đảm kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
“Để tăng cường hiệu quả phòng, chống dịch, lãnh đạo thành phố có chủ trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, các tiểu ban để giảm đầu mối. Trong đó, sẽ có tiểu ban mới về việc phục hồi sản xuất, kinh doanh và tiểu ban này sẽ nhanh chóng có kế hoạch cụ thể”, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố rà soát, có phương án báo cáo để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch sau ngày 21-9, theo nguyên tắc phòng, chống dịch đặt lên hàng đầu, từ đó tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh.
“Với các chốt kiểm soát ra, vào thành phố, mục tiêu đặt ra là phải quản lý chặt vì sắp tới, nếu nới lỏng giãn cách xã hội mà không quản lý chặt các cửa ngõ thì dịch bệnh rất dễ xâm nhập. Đề nghị Công an thành phố nhanh chóng có phương án cụ thể về việc triển khai sắp tới, báo cáo lãnh đạo thành phố xem xét”, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu.
Đồng tình với kiến nghị của Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhắc nhở các địa phương phải kiểm tra, yêu cầu các cửa hàng kinh doanh được phép mở cửa thực hiện nghiêm việc quét mã QR để khai báo y tế. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục vận động người dân tự giác thực hiện khai báo y tế trực tuyến hiệu quả hơn. Các địa phương duy trì xét nghiệm “vùng đỏ”, “vùng da cam” theo tần suất 2, 3 ngày/lần, vùng khác 5, 7 ngày/lần để nắm chắc tình hình.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.