Ngăn chặn thuốc chữa Covid-19 nhập lậu
Pháp luật - Ngày đăng : 06:19, 17/09/2021
Chỉ vì hám lợi
Những ngày gần đây, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh, vận chuyển các lô hàng ghi nhãn thuốc chữa Covid-19 nhưng không rõ nguồn gốc. Điển hình, vào tối 2-9, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố) thu giữ gần 500 hộp thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ của Nguyễn Thu Huyền (trú tại quận Cầu Giấy). Trước đó, ngày 27-8, Công an quận Hoàng Mai phát hiện đối tượng mang theo 53 hộp thuốc ghi mác chữa Covid-19 không có nhãn tiếng Việt và tên đơn vị nhập khẩu trước sảnh tòa CT16, Khu đô thị Định Công (phường Định Công, quận Hoàng Mai)...
Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm thông tin, qua trinh sát nắm tình hình, từ đầu tháng 8-2021, đơn vị đã phát hiện một số đối tượng thường xuyên giao dịch các loại thiết bị y tế và thuốc liên quan đến phòng, điều trị Covid-19 do nước ngoài sản xuất. Nhóm này thường xuyên trao đổi qua mạng và thuê người giao hàng (shipper), không trực tiếp lộ diện để tránh sự kiểm tra và xử lý của cơ quan chức năng. “Nắm được quy luật, ngày 4-9, Công an quận Bắc Từ Liêm đã bắt quả tang shipper Vũ Thị H. (trú tại phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) đang giao 1.000 viên thuốc ghi phòng, điều trị Covid-19 có nhãn mác nước ngoài”, Thượng tá Đỗ Anh Quyến cho biết.
Cầm đầu đường dây nói trên là Mai Đức Thủy (sinh năm 1993, ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng). Đối tượng khai nhận, đã thu gom thuốc phòng, điều trị Covid-19 từ các nguồn trôi nổi rồi thông qua Facebook cá nhân để quảng cáo và bán kiếm lời. Chỉ với 1.000 viên thuốc, nếu bán trót lọt Thủy có thể thu lợi khoảng 100 triệu đồng.
Một đối tượng khác là Trương Văn An (ở tỉnh Hải Dương), bị bắt giữ tại quận Nam Từ Liêm khi đang vận chuyển 121 hộp thuốc "chữa Covid-19", khai nhận, bản thân không biết gì về y dược nhưng thu mua thuốc trôi nổi, sau đó rao bán lại với giá gấp 2 lần để kiếm lời.
Cần biện pháp mạnh
Đánh giá về thực trạng nêu trên, Trung tá Ngô Anh Thuấn, Đội phó Đội Phòng, chống tội phạm môi trường trong lĩnh vực công nghiệp (Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội) cho hay, những loại thuốc không rõ nguồn gốc nêu trên chưa được các cơ quan y tế Việt Nam cấp phép lưu hành, nếu được tiêu thụ ra thị trường có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng. Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan giám sát chất lượng thuốc cần tăng cường lấy mẫu kiểm tra các thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19 để tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc. Trường hợp phát hiện các hành vi có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Trong khi đó, luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) khẳng định, qua việc bắt giữ, các cơ quan chức năng cần mở rộng điều tra làm rõ trước, trong thời điểm xảy ra dịch bệnh, các đối tượng này còn thực hiện hành vi tương tự hay không nhằm xử lý triệt để. Ngoài vi phạm pháp luật hình sự, xét về góc độ đạo đức kinh doanh, rõ ràng hành vi này là bất lương khi họ đã lợi dụng dịch bệnh để trục lợi và rất cần rút giấy phép kinh doanh nếu đó là vi phạm có tổ chức. Ông Nguyễn Anh Hà, Đội phó Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cũng cho rằng, đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19, đề nghị tuân thủ đầy đủ các quy định về thông tin, quảng cáo thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Ở góc độ chuyên môn, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) khuyến cáo, thay vì mua các loại thuốc trôi nổi, người dân cần tuân thủ và thực hiện theo các hướng dẫn đã được ngành Y tế công bố. Trong đó, Bộ Y tế đã hướng dẫn một số loại thuốc có thể sử dụng tại nhà như thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng), thuốc kháng vi rút và các thuốc kháng viêm Corticoid, kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định... Người dân cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo trên mạng xã hội về thuốc điều trị Covid-19 để tránh “tiền mất, tật mang”.
Để ngăn chặn hành vi mua bán thuốc nhập lậu gắn mác điều trị Covid-19, Công an thành phố Hà Nội cho biết sẽ tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh với những đối tượng lợi dụng dịch bệnh buôn bán thuốc nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có chứng nhận chất lượng sản phẩm, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, Công an thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố và đưa ra xét xử một số vụ điển hình trong thời gian sớm nhất để răn đe.