Học sinh, sinh viên có thể đóng bảo hiểm y tế làm nhiều đợt

Đời sống - Ngày đăng : 12:14, 17/09/2021

(HNMO) - Năm học 2021-2022 này, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đối với học sinh, sinh viên không thay đổi về mức đóng. Cụ thể, mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở, tương ứng với 67.050 đồng/học sinh/tháng và 804.600 đồng/năm, theo thông tin ngày 17-9 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) về chính sách BHYT học sinh, sinh viên.

 Học sinh, sinh viên tham gia BHYT được hưởng nhiều quyền lợi.

BHYT học sinh, sinh viên là chính sách BHXH bắt buộc, nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, không vì mục đích lợi nhuận và được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Chính sách này vừa bảo đảm cho học sinh, sinh viên được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu để yên tâm học tập, vừa góp phần giúp giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình khi các em không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị cao.

Năm học 2021-2022 này, chính sách BHYT đối với học sinh, sinh viên không thay đổi về mức đóng. Cụ thể, mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở, tương ứng với 67.050 đồng/học sinh/tháng và 804.600 đồng/năm. Học sinh, sinh viên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, mỗi người chỉ đóng 70% so với quy định, nên số tiền thực tế mà mỗi học sinh sẽ đóng là 46.935 đồng/tháng, tương đương với 563.220 đồng/năm.

Về phương thức đóng, phụ huynh, học sinh, sinh viên có thể lựa chọn 3 phương thức, đó là định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng và đăng ký tham gia tại cơ sở giáo dục, nhà trường nơi học sinh, sinh viên đang theo học. Điều này đồng nghĩa, học sinh, sinh viên có thể đóng BHYT nhiều đợt.

Nếu đóng định kỳ 3 tháng, thì một lần đóng là 201.150 đồng/người, trong đó, học sinh đóng 140.805 đồng/người, ngân sách nhà nước hỗ trợ 60.345 đồng/người.

Nếu đóng định kỳ 6 tháng, thì một lần đóng là 402.300 đồng/người, trong đó, học sinh đóng 281.610 đồng/người, ngân sách nhà nước hỗ trợ 120.690 đồng/người.

Nếu đóng cả năm, thì một lần đóng là 804.600 đồng/người, trong đó, học sinh đóng 563.220 đồng/người, ngân sách nhà nước hỗ trợ 214.380 đồng/người.

Tham gia chính sách này, học sinh, sinh viên được cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH; được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường hoặc cơ sở y tế theo quy định; được chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng; được lựa chọn và thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu theo quy định vào tháng đầu mỗi quý....

Khi đi khám, chữa bệnh, nếu đúng tuyến và đủ thủ tục, học sinh, sinh viên có thẻ BHYT được hưởng 80% chi phí khám, chữa bệnh. Nếu không đúng tuyến, không có giấy chuyển tuyến mà xuất trình đầy đủ thủ tục khám, chữa bệnh BHYT, học sinh, sinh viên được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi, mức hưởng theo tỷ lệ: 100% khi khám, chữa bệnh ngoại trú bệnh viện tuyến huyện; 100% khi khám, chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến huyện, tỉnh; 40% khi khám, chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến trung ương.

Trong trường hợp không xuất trình đầy đủ thủ tục khám, chữa bệnh BHYT tại nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, người bệnh là học sinh, sinh viên vẫn được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Tùy từng trường hợp sẽ được hưởng ở mức khác nhau, từ 223.500 đồng đến 3.725.000 đồng/người/lần khám.

Nếu phải cấp cứu, học sinh, sinh viên được khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào và đều phải xuất trình thẻ BHYT cùng giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định.

Năm học 2020-2021, cả nước có hơn 18 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Trong năm qua, cả nước có trên 6,8 triệu lượt học sinh, sinh viên đi khám, chữa bệnh BHYT được quỹ BHYT chi trả với tổng số tiền hơn 2.296 tỷ đồng.

Minh Ngọc