Các hàng quán, dịch vụ tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch

Đời sống - Ngày đăng : 16:46, 17/09/2021

(HNMO) - Khảo sát của phóng viên trong ngày 17-9, ngày thứ 2 Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách tại nhiều quận, huyện, cho thấy, các cửa hàng kinh doanh được phép mở cửa, bán mang về đều tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường kiểm tra, bảo đảm việc duy trì hoạt động của các “pháo đài” chống dịch tại khu dân cư, tổ dân phố.

Lực lượng chức năng thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) tổ chức cho các hộ kinh doanh trên địa bàn ký cam kết phòng, chống dịch Covid-19.

Nới lỏng nhưng không buông lỏng 

Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) Nguyễn Quang Ngọc cho biết, thực hiện yêu cầu của thành phố, UBND phường đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua cán bộ cơ sở 13 tổ dân phố, các nhóm Zalo, đài phát thanh và tuyên truyền trực tiếp đến các hộ kinh doanh, dịch vụ ăn uống về quy định mới trong nới lỏng giãn cách xã hội. Đồng thời, UBND phường kiểm tra trực tiếp, vừa tuyên truyền, yêu cầu các hộ ký cam kết, vừa hướng dẫn, yêu cầu các cửa hàng, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch, khai báo y tế bắt buộc, thực hiện “5K”, quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng. 

Trong sáng 17-9, UBND phường đã tiến hành ký cam kết với 44 chủ cửa hàng kinh doanh, dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, UBND phường duy trì chế độ kiểm tra, bảo đảm việc duy trì hoạt động của các “pháo đài” chống dịch tại các khu dân cư, tổ dân phố.

Bà Nguyễn Thị Hiền, kinh doanh bánh ngọt tại phố Thụy Khuê, phấn khởi khi được mở cửa trở lại, cho biết: "Tôi hiểu dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nên tôi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch như thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, bảng quét mã QR, tờ khai y tế và bố trí một người nhà trực trong lúc bán hàng để nhắc khách giãn cách, đo thân nhiệt, khử khuẩn tay khi mua hàng".

Tương tự, trên địa bàn phường Việt Hưng (quận Long Biên), phóng viên ghi nhận mật độ người tham gia giao thông ở mức trung bình, mặc dù thành phố đã cho phép người dân ở “vùng xanh” không phải xuất trình giấy đi đường khi qua các chốt kiểm soát. Theo Chủ tịch UBND phường Việt Hưng Nguyễn Kim Ánh, UBND phường đã triển khai tuyên truyền cho 171 chủ hộ kinh doanh thực hiện nghiêm các biện pháp “5K”, bắt buộc quét mã QR.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ nhà hàng Trọng Khách (161/64 phố Hoa Lâm) vui mừng cho biết, tuy việc nới lỏng quy định giãn cách sẽ giúp phát triển kinh tế địa phương, gia đình ông được bán hàng trở lại, nhưng không vì thế mà chủ quan, cần tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Theo bà Đỗ Thị Tuyên, Giám đốc Hợp tác xã cổ phần Cốm làng Vòng (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy), trên địa bàn phường có gần 10 lò cốm đang hoạt động với trên 70 người cùng tham gia giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm. Thời điểm này đang chính vụ cốm nên việc được bán hàng mang về đã tạo động lực để người dân làng nghề ổn định cuộc sống.

Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Tống Xuân Duy cũng cho biết, UBND phường đã thành lập các tổ công tác kiểm tra hoạt động bán hàng mang về, dịch vụ sửa xe được mở trở lại trên tinh thần nới lỏng nhưng không buông lỏng, mất cảnh giác trong kiểm soát dịch bệnh. Qua kiểm tra tuyến phố “vệ sinh an toàn thực phẩm” Duy Tân, nơi có nhiều cửa hàng ăn uống và Hợp tác xã Cốm làng Vòng, ghi nhận người dân chấp hành nghiêm việc chỉ bán mang về.

Đại úy Nguyễn Quang Khải (Đội Cảnh sát giao thông số 15, Phòng Cảnh sát giao thông), tham gia tổ liên ngành Y12/141 trực trên đường Lạc Long Quân cho biết, đã nhắc nhở người đi đường vẫn phải có giấy đi đường. Chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội có hiệu lực nhưng vẫn phải giữ vững thành quả phòng, chống dịch đã đạt được. Vì vậy, tổ liên ngành sẽ tiếp tục xử lý những người ra đường không có lý do chính đáng.

Tại quận Ba Đình, Chủ tịch UBND phường Liễu Giai Đặng Thành Công thông tin, một số dịch vụ được mở cửa trở lại, nhưng người dân cần hiểu đúng chủ trương của thành phố, nới lỏng nhưng không buông lỏng công tác phòng, chống dịch. UBND phường yêu cầu các tổ công tác kiểm soát chặt, đảm bảo đúng quy định của thành phố tại các chốt trực.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) thực hiện tốt các quy định phòng dịch của thành phố và địa phương.

Sẽ xử phạt nghiêm cơ sở vi phạm

Theo ông Ngô Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa, huyện đã có chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, quản lý, giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện biện pháp phòng dịch đối với các loại dịch vụ mới được mở cửa trở lại. Theo đó, khi các cơ sở bán hàng trở lại, chủ cơ sở kinh doanh phải khai báo y tế bắt buộc cho nhân viên, thực hiện “5K”; quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp. 

Hiện nay, thị trấn Vân Đình đã nằm trong "vùng xanh”, người dân được thực hiện một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại, nên rất phấn khởi. Ông Dương Anh Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, là trung tâm kinh tế của huyện, tập trung nhiều hàng quán, cơ sở kinh doanh, do vậy, UBND thị trấn phối hợp với lực lượng công an tiến hành kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh và nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm công tác chống dịch, bảo đảm hai mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) Nguyễn Đại Hải thông tin, trên địa bàn thị trấn có 318 cơ sở kinh doanh, dịch vụ; trong đó, 73 cơ sở được phép mở cửa hoạt động trở lại. Sau 2 ngày thực hiện quy định mới của thành phố về phòng, chống dịch, thị trấn đã tổ chức cho các chủ cơ sở này ký cam kết, yêu cầu nhân viên khai báo y tế, thực hiện thông điệp “5K”, lập mã QR và yêu cầu khách hàng quét mã.

“Thị trấn đã thành lập đoàn kiểm tra và bắt đầu từ ngày 18-9, sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”, ông Nguyễn Đại Hải khẳng định.

Cửa hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn huyện Thanh  Oai mở cửa và chỉ bán mang về.

Tại huyện Thanh Oai, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Khánh Bình, ngay sau khi một số hoạt động kinh doanh được nới lỏng, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn tuyên truyền, yêu cầu các hộ kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về phòng, chống dịch. Ghi nhận tại thị trấn Kim Bài, một số cửa hàng kinh doanh đã mở lại, các hàng ăn đều có biển báo yêu cầu người mua hàng phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay...

Ông Nguyễn Khánh Bình cho biết, huyện duy trì 3 đoàn thường xuyên kiểm tra các hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân, tuyên truyền và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Có thể thấy, qua 2 ngày thực hiện chủ trương nới lỏng một số loại hình kinh doanh, dịch vụ thiết yếu, đa số chủ cơ sở kinh doanh chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch. Các địa phương cũng đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch của các cơ sở trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi bảo đảm sinh kế của người dân.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Nhóm phóng viên