Nỗ lực tại các sở chỉ huy công tác phòng, chống dịch
Đời sống - Ngày đăng : 16:50, 17/09/2021
Chống dịch từ cơ sở
Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 của xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) có 15 thành viên, do Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thông làm Chỉ huy trưởng.
Ông Nguyễn Văn Thông chia sẻ: "Nhiều hôm, chúng tôi họp giải quyết công việc đến 22h - 23h, thậm chí có hôm đến đầu giờ sáng hôm sau mới xong việc. Phòng tuyến chống dịch của xã đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo thành “lá chắn thép” ngăn chặn dịch bệnh, đời sống người dân được duy trì ổn định ngay trong những ngày giãn cách xã hội".
Những ngày vừa qua, xã Liên Ninh là địa phương có ổ dịch lớn nhất của huyện Thanh Trì với 139 ca F0 và phải thực hiện phong tỏa để phòng, chống dịch. Đó là quãng thời gian những cán bộ cơ sở, các tổ Covid-19 cộng đồng trên địa bàn không có ngày nghỉ.
Ông Nguyễn Xuân Thọ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Liên Ninh nhớ lại: Từ đêm 26-7-2021, thôn Thọ Am (xã Liên Ninh) bắt đầu phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, kế sau đó là những ngày Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch của xã làm việc suốt từ sáng tới đêm, không ngày nghỉ. Mọi công việc đều phải khẩn trương để truy vết, đưa các F0 đi điều trị, F1 đi cách ly, rồi phong tỏa địa bàn để ngăn chặn lây lan dịch...
Khó khăn nhất đối với công tác phòng, chống dịch ở nông thôn là do yếu tố làng quê, các gia đình giao lưu với nhau nhiều, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Vì vậy, Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 của xã Liên Ninh đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thực hiện nghiêm cách ly y tế.
“Để nhân dân trong khu phong tỏa, cách ly không ra khỏi nhà, xã đã thành lập nhanh các tổ như: Tổ thu gom rác thải sinh hoạt; tổ y tế xử lý các trường hợp cấp thiết về khám, chữa bệnh; tổ chuyên mua nhu yếu phẩm để phục vụ người dân... Nhờ đó, tình hình dịch trên địa bàn thôn Thọ Am của xã Liên Ninh nhanh chóng được kiểm soát”, ông Nguyễn Xuân Thọ cho biết.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, Đông Anh từng là "điểm nóng" về dịch bệnh của Hà Nội khi trên địa bàn xuất hiện nhiều ổ dịch có sự lây nhiễm trong cộng đồng. Trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Đông Anh và các xã, thị trấn đã có nhiều sáng tạo, nhanh chóng đưa huyện trở thành "điểm nóng an toàn". Trong đó, sáng kiến quan trọng nhất là thực hiện "3 lớp cách ly".
Tại các sở chỉ huy phòng, chống dịch của các xã, thị trấn còn thành lập 48 đội phản ứng nhanh với 275 thành viên cùng các tổ phản ứng nhanh của huyện là lực lượng nòng cốt triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách. Các sở chỉ huy phòng, chống dịch ở các xã, thị trấn đều duy trì trực 24/7, góp sức rất lớn vào công cuộc phòng, chống dịch tại địa phương...
Nhiều nhiệm vụ song hành
Trong “trận chiến” chống dịch Covid-19 lần thứ tư, Hà Nội đã thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ. Trong đó, Hà Nội đã kiện toàn các ban chỉ đạo và sở chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ cơ sở; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị cơ sở, kết hợp huy động sức dân, các tổ Covid-19 cộng đồng tham gia chống dịch.
Ngay cả đối với những nơi chưa ghi nhận các ca mắc Covid-19, như các xã “vùng xanh” huyện Phú Xuyên, một ngày ở Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng hết sức bận rộn. Ông Bùi Hồng Luyến, Bí thư Đảng ủy xã Phú Túc chia sẻ, ngoài rất nhiều việc liên quan công tác phòng, chống dịch, thì còn rất nhiều việc liên quan đến đời sống dân sinh cần tháo gỡ, kiểm soát kịp thời, như: Vận chuyển hàng hóa ra/vào làng nghề; phòng, chống cháy nổ; tiêu thụ nông sản đến kỳ thu hoạch... Các thành viên của Sở Chỉ huy đều phải phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể để công việc luôn trôi chảy, không gây bức xúc trong nhân dân và tạo được sự đồng lòng, tin tưởng của nhân dân đối với các biện pháp, chính sách phòng, chống dịch Covid-19 của trung ương và thành phố.
Cụ thể hơn, Chủ tịch UBND xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ) Hồ Quốc Khánh cho biết, những ngày qua, địa phương bước vào vụ gặt. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, Sở Chỉ huy của xã còn làm việc với các chủ máy gặt để thống nhất mức giá thuê gặt, phân công máy gặt theo từng xứ đồng, vận động nhân dân gặt cả ngày đêm để thu hoạch đúng thời điểm, tránh mưa. Với những gia đình neo đơn, khó khăn, lực lượng dân quân tự vệ, đoàn thanh niên của xã hỗ trợ để việc thu hoạch nhanh gọn nhất. Những việc này tưởng không liên quan gì đến công tác phòng dịch nhưng khi được các thành viên trong Sở Chỉ huy giải quyết hiệu quả, nhân dân rất phấn khởi, chung tay ủng hộ cả vật chất và tinh thần cho công tác phòng dịch tại địa phương.
Có thể thấy, các sở chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Coivd-19, từ đó nhân rộng các "vùng xanh", thu hẹp dần “vùng đỏ” nhằm sớm đưa cuộc sống của người dân Thủ đô trở lại trạng thái bình thường mới...
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.