Tình người trong đại dịch
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:32, 18/09/2021
Tự nguyện sẻ chia
Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là những ngày khu vực nông thôn Hà Nội kiên cường chống dịch Covid-19. Hoàn cảnh khắc nghiệt đó lại chính là môi trường “nảy mầm” nhiều hành động, việc làm chất chứa tinh thần nhân văn của người Hà Nội.
Về xã Cổ Loa (huyện Đông Anh), hỏi về bà Nguyễn Thị Minh - y tá đã nghỉ hưu nhưng xung phong trên mọi mặt trận phòng, chống dịch tại địa phương thì ai cũng biết. Từ đầu tháng 5 đến nay, bà Minh luôn có mặt ở những “điểm nóng” từ khu cách ly, phong tỏa đến các chốt kiểm soát, trạm y tế xã. Khi toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội, bà Minh thường xuyên “trực chiến” tham gia tiêm phòng, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho hàng trăm người dân trên địa bàn xã. Hơn 4 tháng ròng, bà Minh chưa có một ngày nghỉ. Có đợt cao điểm, cả tuần bà không về nhà.
"Từ giữa tháng 7, huyện Đông Anh bắt đầu ghi nhận những ca bệnh tại khu công nghiệp, một số nhà máy phải thực hiện cách ly y tế tại chỗ, với nghiệp vụ, kinh nghiệm sẵn có, tôi đã xung phong tuyên truyền, hướng dẫn công nhân cách phòng, chống dịch; hỗ trợ triển khai tiêm vắc xin cho công nhân. Có trường hợp bố mẹ đi cách ly tập trung, các cháu nhỏ ở lại trong khu phong tỏa, người thân không thể đến chăm sóc, tôi đã sát cánh, thường xuyên động viên, giúp đỡ các cháu...", bà Nguyễn Thị Minh chia sẻ.
Từ ngày 25-7, ngày thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) ghi nhận ca bệnh đầu tiên cũng là ngày chị Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường Mầm non xã Cấn Hữu bước vào quãng thời gian bận rộn nhất. Dù hai con còn nhỏ, chồng phải làm theo phương án “3 tại chỗ” tại công ty, nhưng chị Hiền vẫn sắp xếp ổn thỏa công việc gia đình để dành thời gian tham gia công tác phòng, chống dịch. Chị cùng đồng nghiệp đã kêu gọi người dân trong và ngoài xã, thông qua mạng xã hội Facebook, ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm, rồi tổng hợp, lên danh sách gửi tặng những hộ trong vùng cách ly y tế, gia đình chính sách, gia đình khó khăn trên địa bàn xã. Ngoài ra, chị còn kêu gọi ủng hộ lương thực, thực phẩm và tham gia nấu các suất ăn miễn phí cho lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn; huy động lương thực, thực phẩm, vật dụng y tế gửi đến đồng bào ở thành phố Hồ Chí Minh; tham gia tiêu thụ rau, quả cho nông dân địa phương…
Bà Bùi Thị Hợp ở thôn Cấn Hạ cho biết: “Trong giai đoạn thôn bị phong tỏa, con cái đều làm xa, một mình ở nhà, tôi vô cùng lo lắng. Thế nhưng, được cháu Nguyễn Thị Hiền thường xuyên gọi điện hỏi thăm, hỗ trợ mua thực phẩm nên tôi yên tâm ở nhà chống dịch…”
Và có lẽ, để lại ấn tượng sâu đậm nhất với chúng tôi trong những ngày tác nghiệp ở đợt giãn cách xã hội của Thủ đô là ánh mắt, vẻ mặt kiên cường, căng tràn nhiệt huyết của chị Nguyễn Thị Hường (sinh năm 2000, ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) đang tình nguyện làm việc tại khu cách ly y tế tập trung Trường Trung học cơ sở Bình Minh, xã Bình Minh (huyện Thanh Oai). Dù luôn phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít, đi lại vất vả, nhưng ngày nào chị Hường cũng “kín lịch” phát cơm nước, phun khử khuẩn, dọn vệ sinh, hỗ trợ chuyển viện điều trị với trường hợp F1 trở thành thành F0... "Những ngày sống và làm việc trong khu cách ly, tôi rất vui vì đã được góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công tác phòng, chống dịch của huyện và thành phố”, chị Nguyễn Thị Hường nói.
Gieo niềm tin để chiến thắng chính mình
Trong những lần đến với một số vùng dịch ở ngoại thành Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, những hành động đẹp, những sự sẻ chia không chỉ lan tỏa tình yêu thương mà còn gieo niềm tin cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn chiến thắng chính mình, vượt qua dịch bệnh.
Tại chốt kiểm soát quốc lộ 21B, khu vực thôn Thượng, xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai), tối 10-8, trời đổ mưa to, một đôi nam nữ mệt mỏi xách theo hành lý, đi bộ hướng từ quận Hà Đông về huyện Thanh Oai. Kiểm tra giấy tờ thì được biết đây là hai vợ chồng quê ở huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình), đang làm thuê tại quận Thanh Xuân, do dịch Covid-19 nên phải nghỉ việc. Nhận được tin báo mẹ ốm nặng, nhưng không bắt được xe khách nên anh chị phải đi bộ về quê…
Thấy hoàn cảnh đó, ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng thôn Thượng và các thành viên đang trực tại chốt kiểm soát đã mời hai vợ chồng ăn cơm tối. "Để giúp họ về quê nhanh chóng, bảo đảm an toàn, chúng tôi đã liên hệ với người có đủ điều kiện tham gia giao thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội giúp đỡ. Ngoài ra, mấy anh em trực chốt còn góp tiền giúp họ ít kinh phí đi đường", ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ. Việc làm của các thành viên trực tại chốt kiểm soát Quốc lộ 21B tuy nhỏ nhưng đã làm ấm lòng người lao động ngoại tỉnh.
Tương tự, trong câu chuyện với chúng tôi về niềm tin, sự trao nhận tại khu cách ly y tế tập trung của huyện Thanh Oai, Thượng tá Trần Đình Thành, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thanh Oai cho biết, đa phần người thực hiện cách ly đều có tâm lý hoang mang nên việc đầu tiên là phải đáp ứng nhu cầu về nơi ăn, chốn ở để họ bớt đi lo lắng. Có phụ nữ mang thai, phải hỗ trợ chăm sóc đặc biệt… nên nhiều tình nguyện viên đã trở thành “bác sĩ tâm lý” sau những đêm thức trắng để lắng nghe, chia sẻ. Rồi có hôm 2-3h sáng, bịn rịn nước mắt chia tay những trường hợp F1 được thông báo chuyển thành F0, phải chuyển vào bệnh viện điều trị... Cầm trên tay lá thư cảm ơn của người dân gửi lực lượng làm việc tại khu cách ly, Thượng tá Trần Đình Thành xúc động nói: “Những lá thư này chính là nguồn động viên để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ và đem niềm tin chiến thắng dịch bệnh đến với mọi người…”.
Là địa bàn ghi nhận nhiều ca F0 của Hà Nội, có thời điểm huyện Đông Anh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cao hơn mức chung của thành phố. Chia sẻ về việc này, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, có nhiều ngày, huyện họp với các xã đến đêm, có cuộc họp kéo dài đến 1h sáng, mọi người cùng bàn bạc, trao đổi, thống nhất những biện pháp chống dịch cụ thể tại từng thôn, xóm, xã... Rồi anh em chia nhau trực 24/24 giờ, giải quyết công việc thường nhật, kiểm tra các chốt trực trong đêm.... Và thành công bước đầu trong việc khống chế sự lây lan của dịch bệnh đã củng cố niềm tin và quyết tâm chiến thắng “giặc” Covid-19 trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân huyện Đông Anh.
Những câu chuyện kể trên rất nhỏ bé, đời thường, nhưng mang thật nhiều ý nghĩa, bởi chứa đựng trong đó là những giá trị nhân văn, là niềm tin, sức mạnh để Thủ đô cùng cả nước sớm đẩy lùi đại dịch.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.