Hà Nội: Gỡ vướng từ những việc nhỏ để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động

Đời sống - Ngày đăng : 20:09, 19/09/2021

(HNMO) - Thời gian qua, hàng triệu người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn Hà Nội đã tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, nguồn lực hỗ trợ từ gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ. Tuy nhiên, việc triển khai một số chính sách vẫn gặp khó khăn, vướng mắc, nên các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm gỡ vướng từ những việc nhỏ.

Nhiều lao động tự do ở Hà Nội đã được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ.

Đã có hơn 1,633 triệu người lao động được hỗ trợ

Gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ gồm 12 nhóm chính sách được quy định rõ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tại Hà Nội, các chính sách này được cụ thể hóa bằng Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21-7-2021 của UBND thành phố.

Nhìn lại gần 2 tháng triển khai Quyết định số 3642/QĐ-UBND, có thể nhận thấy, các chính sách được triển khai nghiêm túc, khẩn trương, bảo đảm đúng người, đối tượng thụ hưởng. Quá trình triển khai vừa bám sát quy định chung, vừa phù hợp với thực tiễn ở Thủ đô cũng như diễn biến của dịch Covid-19.

Kết quả, đến cuối ngày 19-9, toàn thành phố đã có quyết định hỗ trợ theo gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ cho hơn 1,633 triệu người lao động, người sử dụng lao động. Kinh phí phê duyệt hỗ trợ là hơn 576 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách. Chính sách có nhiều người thụ hưởng là giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã đến với hơn 89.500 đơn vị, doanh nghiệp, gồm 1,423 triệu lao động. Tổng số tiền hỗ trợ giảm đóng cho đối tượng này là 147,3 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ lao động tự do đã có 161.689 người thụ hưởng với số tiền 244,53 tỷ đồng....

Đón nhận nguồn lực trợ giúp, anh Phạm Văn Hoàng (tổ dân phố 9, phường Giảng Võ, quận Ba Đình) phấn khởi: “Mới đây, tôi được hỗ trợ 1,5 triệu đồng dành cho lao động tự do. Tôi đã dùng số tiền này để mua lương thực, thực phẩm cho gia đình trong thời điểm khó khăn”.

Thợ xây dựng được các cơ quan, đơn vị chức năng thành phố Hà Nội quan tâm hỗ trợ.

Quan tâm gỡ vướng từ những việc nhỏ

Trên thực tế, mặc dù các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã, đang nỗ lực đưa gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ đến với các trường hợp thụ hưởng, nhưng việc triển khai một số chính sách hiện vẫn gặp khó khăn, vướng mắc. Trong đó, chính sách hỗ trợ lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ lao động tự do… tiếp tục có nhiều ý kiến, kiến nghị đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm gỡ vướng.

Với chính sách hỗ trợ lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, các cơ quan chức năng huyện Mê Linh lấy dẫn chứng cụ thể về Công ty TNHH Khóa Huy Hoàng (Khu công nghiệp Quang Minh) đề nghị giải đáp. Đó là, trong giai đoạn bình thường, doanh nghiệp có tổng số 551 lao động. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty thu hẹp quy mô sản xuất, phải cho 419 người tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 14-7 đến hết ngày 6-9-2021. Vậy, 419 lao động của Công ty TNHH Khóa Huy Hoàng có thuộc đối tượng được hỗ trợ theo gói an sinh xã hội của Chính phủ hay không?

Cũng liên quan đến chính sách nêu trên, nhiều địa phương phản ánh, thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp sản xuất phải tạm hoãn hợp đồng lao động sau ngày 24-7-2021 (thời điểm toàn thành phố giãn cách xã hội), do không bảo đảm được phương án sản xuất an toàn để phòng, chống dịch. Một số doanh nghiệp có phương án được duyệt, nhưng phải cho một bộ phận người lao động tạm hoãn hợp đồng để bảo đảm sản xuất giãn cách... Trong những trường hợp này, người lao động có được hưởng chính sách hỗ trợ hay không, thì các bên liên quan cũng đang lúng túng không biết triển khai thế nào cho đúng và trúng.

“Những ngày gần đây, chúng tôi phải tạm dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ với nhóm lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chờ hướng dẫn thống nhất từ các cơ quan chức năng”, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hà Đông Đỗ Thị Minh Loan phản ánh.

Với nhóm lao động tự do, các địa phương cũng chưa xác định rõ, người lao động giúp việc, trông trẻ cho các gia đình, giúp việc theo giờ; thợ xây, lao động làm việc tại các làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh, lao động là chủ và nhân viên trong lĩnh vực cho thuê dịch vụ cưới hỏi,… có thuộc đối tượng hỗ trợ hay không để triển khai...

Giải đáp những vấn đề này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nêu rõ: Với chính sách hỗ trợ lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, điều kiện quan trọng để được hỗ trợ là “phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19”. Do đó, những đơn vị phải thu hẹp sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì không thuộc đối tượng thụ hưởng theo gói hỗ trợ của Chính phủ, trong đó có 419 người lao động của Công ty TNHH Khóa Huy Hoàng… Những trường hợp khác cũng căn cứ vào những quy định đã có để triển khai với từng trường hợp cụ thể.

Về chính sách hỗ trợ lao động tự do, tùy từng trường hợp cụ thể mà địa phương thực hiện. Chẳng hạn, với lao động giúp việc gia đình, nếu họ có giao kết hợp đồng lao động, nghĩa là không phải lao động tự do, thì không thuộc trường hợp hỗ trợ. Còn nếu người lao động thực hiện công việc giúp việc theo giờ là công việc không thường xuyên, thì được coi là công việc người lao động tự làm và thực hiện hỗ trợ nếu đáp ứng đủ nhu cầu.

Tương tự, với trường hợp thợ xây dựng, nếu họ làm việc cá nhân riêng lẻ hoặc làm việc theo nhóm tại những công trình riêng lẻ tư nhân, không có quan hệ chủ - thợ, thì đối tượng này được hỗ trợ, nếu họ đủ điều kiện. Nếu thợ xây làm việc theo nhóm thợ, có người cai, thầu, chấm công,... nghĩa là đã phát sinh quan hệ lao động, nên họ không được hỗ trợ…

“Sau gần 2 tháng triển khai, gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ đã góp phần tạo động lực, điểm tựa an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Với tinh thần đó, chúng tôi luôn quan tâm gỡ vướng từ những việc nhỏ. Nội dung nào vượt quá thẩm quyền, chúng tôi tiếp tục kiến nghị UBND thành phố, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết”, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương nói.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Minh Vũ