Thành phố Hồ Chí Minh triển khai gói an sinh và chiến lược xét nghiệm mới
Đời sống - Ngày đăng : 17:51, 20/09/2021
Gói an sinh lần 3 trị giá hơn 7.340 tỷ đồng
Ngày 20-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan thông tin, thành phố đã thông qua kế hoạch triển khai gói an sinh lần thứ ba, trị giá 7.347,166 tỷ đồng từ nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương và nguồn kết dư ngân sách năm 2019 đang theo dõi trong số thu ngân sách năm 2020.
Qua kinh nghiệm thực hiện các gói hỗ trợ an sinh lần 1, lần 2, UBND thành phố ước tính, trong thời gian tới, thành phố sẽ có khoảng 53.483 hộ nghèo và cận nghèo, với khoảng 210.178 nhân khẩu gặp khó khăn. Tổng số người cần hỗ trợ là 7.347.166 người.
UBND thành phố đã yêu cầu UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn lập hội đồng xét duyệt, xác định cụ thể, chính xác người được thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh lần 3 này, với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Người trong diện hỗ trợ bao gồm người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện đang hưởng trợ cấp xã hội, nay gặp khó khăn; người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (bao gồm cả những người đang thực hiện cách ly phòng dịch và điều trị, không có mặt tại nơi cư trú).
Người được hỗ trợ đợt này còn có cha, mẹ, vợ, chồng, các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, hiện đang cư trú trên địa bàn thành phố (bao gồm cả các trường hợp cách ly điều trị, không có mặt tại nơi ở); người lưu trú tạm thời trong xóm trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo có hoàn cảnh thật sự khó khăn...
Đáng lưu ý là gói hỗ trợ lần 3 này không chi trả cho người đang hưởng lương hưu; người đang được hưởng trợ cấp mất sức lao động; người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội và được doanh nghiệp trả lương tháng 8-2021.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan nhấn mạnh: “Số đối tượng thuộc diện được hưởng hỗ trợ gói an sinh đợt 3 lớn hơn nhiều so với 2 gói hỗ trợ trước đó. Các địa phương sẽ lập hội đồng xét duyệt trên cơ sở danh sách do tổ dân phố, cụm dân cư lập nên và tổ chức chi trả trực tiếp bằng tiền mặt trên nguyên tắc không bỏ sót người thực sự khó khăn, nay cần hỗ trợ”.
Chiến lược xét nghiệm mới
UBND thành phố Hồ Chí Minh xác định, công tác xét nghiệm sàng lọc Covid-19 là công việc quan trọng, then chốt, cần triển khai đồng bộ với các phương án phòng, chống dịch khác.
Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Hữu Hưng cho biết, tại các vùng đỏ, vùng cam, sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân trong vùng, trừ các F0 đã phát hiện trong 14 ngày qua và các trường hợp F0 đã khỏi bệnh, xuất viện về nhà. Tần suất xét nghiệm 3 lần trong 7 ngày. Tại các vùng vàng, vùng xanh, vùng cận xanh, tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho đại diện hộ gia đình với tần suất ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 4 ngày.
Về lực lượng lấy mẫu xét nghiệm, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết, hiện có đến 80% số hộ gia đình trong vùng cam, vùng đỏ đã có thể tự lấy mẫu xét nghiệm đúng yêu cầu. Cùng với đó, UBND các phường, xã, thị trấn có trách nhiệm tổ chức lực lượng nhân viên y tế, tình nguyện viên lấy mẫu; huy động tối đa lực lượng tại chỗ.
“Thống kê đến ngày 20-9, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 2,3 triệu hộ gia đình. Trong đó, số hộ trong vùng đỏ là khoảng 500.000, số hộ vùng cam là gần 200.000, số hộ vùng vàng là khoảng 300.000, số hộ vùng xanh là hơn 1,2 triệu”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết.
Về xét nghiệm hằng ngày cho lực lượng shipper, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Nguyễn Nguyên Phương thông tin: “Ngày 20-9, có hơn 80.000 shipper đăng ký tham gia vận chuyển hàng hóa, tăng gấp 4 lần so với trước đó. Dự kiến, lực lượng này sẽ vận chuyển khoảng 1 triệu đơn hàng/ngày cho người dân. Chúng tôi đã phối hợp với Sở Y tế triển khai xét nghiệm cho shipper tại hơn 800 trạm y tế lưu động, trạm y tế phường, xã, thị trấn từ 6h đến 21h hằng ngày”.
Từ sau 15-1-2022, giải quyết thủ tục hành chính trở lại bình thường
Ngày 20-9, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã ký văn bản khẩn số 3086/UBND-VX về thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị nhà nước phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, giai đoạn thí điểm từ ngày 16-9 đến hết 30-9, các cơ quan, đơn vị nhà nước chỉ bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp và đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 làm việc trực tiếp tại trụ sở. Đồng thời, phải thực hiện bộ tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch.
Đối với thủ tục hành chính, giai đoạn này tiếp tục tạm ngưng tiếp nhận, giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính. Chỉ tiếp nhận bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và các thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Giai đoạn từ ngày 1-10 đến 31-10, cơ quan, đơn vị nhà nước chỉ bố trí tối đa 1/2 lao động đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc được cấp “Thẻ xanh Covid” làm việc tại trụ sở. Giai đoạn này, thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhà nước tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính trên tinh thần phục vụ yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Các thủ tục đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả bằng hình thức trực tuyến qua dịch vụ bưu chính.
Trường hợp đặc biệt, cấp bách được tiếp nhận trực tiếp theo hướng dẫn của Văn phòng UBND thành phố và trả kết quả bằng hình thức trực tuyến. Người đến trụ sở yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính phải tiêm 2 mũi vắc xin, nếu chưa tiêm đủ thì phải có xét nghiệm âm tính.
Giai đoạn từ ngày 1-11 đến hết 15-1-2022, các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí tối đa 2/3 lao động được cấp “Thẻ xanh Covid” làm việc trực tiếp tại trụ sở. Giai đoạn này, thành phố ưu tiên, khuyến khích cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Ngoài danh mục thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách, các đơn vị chủ động mở rộng lĩnh vực thủ tục được nhận trực tiếp. Người đến trụ sở yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính phải có "Thẻ xanh Covid”, nếu chỉ có “Thẻ vàng Covid” thì phải đi kèm kết quả xét nghiệm âm tính.
Giai đoạn sau ngày 15-1-2022, các cơ quan, đơn vị nhà nước được bố trí toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở nếu có “Thẻ xanh Covid” hoặc “Thẻ vàng Covid” kèm kết quả xét nghiệm âm tính theo quy định bình thường mới. Đến giai đoạn này, việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị nhà nước trở lại hoạt động bình thường theo quy định đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.