Dốc sức vượt khó

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:02, 21/09/2021

(HNM) - Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp đã, đang gây ra rất nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến tình hình thu ngân sách nhà nước. Trong tháng 8-2021, thu ngân sách nhà nước từ thuế xuất, nhập khẩu và hầu hết các sắc thuế chính đều giảm. Đáng chú ý, từ tháng 4-2021 đến nay, thu nội địa có xu hướng giảm dần, trong đó giảm mạnh nhất là tháng 8 khi chỉ thu được 63,2 nghìn tỷ đồng, giảm 14,2 nghìn tỷ đồng so với tháng 7-2021…

Nguồn thu ở nhiều lĩnh vực giảm, song về tổng thể, tín hiệu đáng mừng là 8 tháng của năm 2021, thu ngân sách nhà nước vẫn tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này là hết sức tích cực, trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Điều đó cũng cho thấy sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn, hiệu quả của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực chủ động, tích cực, sáng tạo của toàn ngành Tài chính, cũng như sự phối hợp hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước…

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, dự báo công tác thu ngân sách nhà nước trong những tháng cuối năm 2021 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tất cả đòi hỏi ngành Tài chính và các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục dốc sức, đồng lòng, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất phù hợp với điều kiện dịch bệnh. Trong đó, cần bám sát và thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Chính phủ về công tác thu, chi ngân sách nhà nước; giám sát chặt chẽ nguồn thu, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân các khoản thất thu để có biện pháp quản lý hiệu quả. Đồng thời, rà soát các nguồn thu tiềm năng, còn nhiều dư địa để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu ngân sách do dịch Covid-19 gây ra. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách nhà nước, bảo đảm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; có biện pháp mạnh đối với các doanh nghiệp, dự án cố tình chây ỳ, có dấu hiệu chiếm dụng tiền thuế…

Để tăng và tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước, một việc làm quan trọng nữa là cần đặc biệt chú trọng đến “nuôi dưỡng nguồn thu”. Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, cần nắm chắc “sức khỏe” các doanh nghiệp thông qua đối thoại, trao đổi thông tin để kịp thời có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; qua đó, có dòng tiền thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Song song với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế và hải quan, góp phần tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển...

Cùng với sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân cũng cần nâng cao trách nhiệm, nộp đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước. Thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế là thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh; vì vậy, các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh cần phấn đấu nỗ lực hoàn thành nghĩa vụ thuế, đóng góp tốt cho ngân sách nhà nước.

Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, tăng tốc, dốc sức vượt khó với quyết tâm cao nhất sẽ giúp thu ngân sách nhà nước đạt được mục tiêu đã đề ra, bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Quỳnh Anh