Khơi sức sáng tạo từ quyền sở hữu trí tuệ
Công nghệ - Ngày đăng : 06:12, 21/09/2021
Vẫn còn nhiều bất cập
Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành lần đầu tiên vào năm 2005 và đã qua hai lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 và năm 2019, là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ.
Giám đốc Công ty Công nghiệp 3T (phường Phú La, quận Hà Đông) Hoàng Anh Tuấn cho biết, qua hơn 15 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện cho thấy, Luật Sở hữu trí tuệ vẫn còn một số bất cập, hạn chế khiến tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày một gia tăng và có xu hướng phức tạp... Theo Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, có rất ít vụ việc tranh chấp sở hữu trí tuệ được đưa ra xử lý tại tòa án ở Việt Nam mà được thay bằng việc khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Điều này đã làm cho quyền sở hữu trí tuệ với bản chất là quyền dân sự đang bị chuyển thành xử lý hành chính.
Luật sư Lê Thành Kính (Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn) lý giải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam chưa ý thức đúng và đủ về quyền sở hữu trí tuệ… Thứ hai, các quy định về sở hữu trí tuệ và hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ còn chưa tập trung mà rải rác trong quá nhiều văn bản. Bên cạnh đó, tổ chức và hoạt động của các cơ quan có trách nhiệm đấu tranh với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn thiếu đồng bộ và chồng chéo, nhiều tầng nấc xử lý khiến hiệu lực thực thi bị phân tán, phức tạp.
Trước bối cảnh mới với nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt của kinh tế - xã hội, việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ trở nên rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế.
Cải thiện điểm yếu trong Luật Sở hữu trí tuệ
Để hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ, khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, việc sửa đổi lần này sẽ được tiến hành một cách bài bản, chặt chẽ. “Mục tiêu là tạo điều kiện cho chúng ta tham gia các sân chơi chung trên thế giới, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và phát triển sức sáng tạo của quốc gia, tạo động lực phát triển cho xã hội”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho hay.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ là thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng; bảo vệ thành quả lao động sáng tạo, giải phóng sức sáng tạo, lao động trí tuệ của tất cả các chủ thể trong bối cảnh chủ trương của Đảng ta phát triển đất nước nhanh, bền vững và dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Còn Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Văn Bảy cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ được thực hiện theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Các vấn đề cần sửa đổi trong Luật Sở hữu trí tuệ tập trung vào các nhóm chính sách lớn, là: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ...
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã sửa đổi, bổ sung 93 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 81 điều) và bãi bỏ 1 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 233 điều. Dự thảo đang hoàn thiện và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV sắp tới.