Cơ hội triệt tiêu chợ tạm, chợ ''cóc''

Xã hội - Ngày đăng : 06:08, 21/09/2021

(HNM) - Từ khi Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, các địa phương đã quyết liệt ra quân xử lý, xóa bỏ chợ “cóc”, chợ tạm họp trái phép. Cho đến nay, tình trạng lấn chiếm lòng, hè đường, biến ngõ nhỏ thành chợ cơ bản không còn. Điều này cho thấy, nếu có sự quyết tâm, kiên quyết thì việc triệt tiêu chợ “cóc”, chợ tạm trong thời gian tới hoàn toàn có thể thực hiện được.

Lực lượng chức năng nhắc nhở một trường hợp họp chợ trái quy định trên địa bàn phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa). Ảnh: Vũ Dung

Vào cuộc quyết liệt

Trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội (ngày 24-7), phố Cầu Mới (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) là tụ điểm kinh doanh tự phát, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mặc dù, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng bán hàng rong tại lòng đường, vỉa hè ở đây liên tục tái diễn. Sau ngày 24-7, các lực lượng chức năng đã cắm chốt, đồng thời tăng cường tuần tra, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm...

Bà Lê Thanh Hà, ở đường Láng (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) cho biết, nhờ sự quyết liệt của UBND phường Ngã Tư Sở, lực lượng chức năng, đến nay khu vực phố Cầu Mới không còn tình trạng bày bán hàng hóa trái phép ở vỉa hè, lòng đường. 

Trong khi đó, để xóa bỏ tất cả các điểm bán hàng rong, lực lượng chức năng phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) đã tăng cường kiểm tra đột xuất tại các ngõ phố, vườn hoa trên địa bàn. UBND phường cũng lắp 8 camera giám sát 3 ngõ dẫn vào chợ Gia Lâm, giải tỏa triệt để hàng rong tại 2 chợ Gia Lâm và Ngọc Lâm.

Tình trạng hình thành chợ tạm, chợ “cóc” tại khu vực xung quanh cụm tòa nhà HH Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) trước đây cũng là vấn đề gây khó khăn cho chính quyền sở tại. Tuy nhiên, từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiên quyết xóa bỏ chợ “cóc” tại khu vực này. Tương tự, các chợ tạm, chợ “cóc” trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân... cũng đã được giải tỏa triệt để nhờ sự quyết liệt của các lực lượng chức năng.

Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, khi các địa phương tiến hành giải tỏa chợ “cóc”, chợ tạm, đã dần thay đổi thói quen mua bán của người dân. Nếu trước đây, nhiều người tiện đâu mua đấy, có thể tùy tiện dừng lại ở lề đường hay ngõ nhỏ để mua mớ rau, con cá... thì nay họ đến các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện ích, lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm. Điều này cho thấy, để thay đổi thói quen của người dân là điều không khó, quan trọng là làm thế nào để duy trì kết quả này.

Người dân mua thực phẩm tại chợ lưu động trên địa bàn phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ). Ảnh: Phùng Giang

Tạo mỹ quan, văn minh đô thị

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Lê Kế Việt, để duy trì, chống tái họp chợ “cóc”, chợ tạm trái phép trên địa bàn, trong thời gian tới, kể cả khi thành phố hết giãn cách xã hội, quận sẽ tăng cường lực lượng cắm chốt tại những điểm thường xảy vi phạm; đôn đốc, yêu cầu các phường không để tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Bên cạnh đó, đề xuất các đơn vị liên quan mở rộng các địa điểm bán hàng an toàn, lưu động để tăng thêm sự lựa chọn cho người dân.

Còn Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Dương Việt Hùng cho biết, để hỗ trợ người dân, quận đã thành lập các gian hàng lưu động vào các khu đông dân cư, giao lực lượng thanh niên hỗ trợ, bảo đảm người dân được mua hàng chất lượng... Quận sẽ tiếp tục duy trì mô hình hoạt động này để hướng tới sự tiện lợi cho người dân, cũng là một biện pháp tốt giúp mọi người nói không với chợ “cóc”, chợ tạm.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Vũ Đức Minh cho hay, mô hình thành lập tổ cung ứng hàng hóa phục vụ người dân ở khu vực dân cư đông như chung cư, tổ dân phố theo phương thức trực tuyến đã đạt hiệu quả cao tại địa bàn phường. Người dân tại đây đã quen với việc đặt hàng hóa từ các đơn vị, doanh nghiệp do Sở Công Thương Hà Nội cung cấp. Với cách làm hiệu quả này, tới đây, phường sẽ duy trì và nhân rộng để tiến tới người dân "lãng quên" với chợ “cóc”, chợ tạm.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Sở đã cung cấp danh sách 103 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 449 chợ có kinh doanh thực phẩm, 8.355 điểm bán hàng bình ổn giá và danh sách 600 điểm, doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thiết yếu bằng hình thức trực tuyến lên Cổng thông tin điện tử của Sở, gửi UBND các quận, huyện, thị xã để phổ biến rộng rãi đến người dân. Đồng thời, Sở đã tổ chức đưa hàng hóa lưu động bằng xe ô tô và xe buýt đến những khu vực bị phong tỏa, khu đông dân cư... Các địa điểm kinh doanh buôn bán trực tiếp, trực tuyến hay lưu động đều đã được chuẩn bị kỹ để ứng phó với sự phức tạp của dịch bệnh. Nếu các sở, ngành, địa phương cùng phối hợp tốt, duy trì các hoạt động này khi Hà Nội kiểm soát được dịch Covid-19, thì càng tạo thêm cơ hội để những chợ “cóc”, chợ tạm gây mất mỹ quan, văn minh đô thị sớm được xóa bỏ.

Kim Vũ