Phát triển sản xuất gắn với giữ an toàn dịch bệnh
Đời sống - Ngày đăng : 09:59, 21/09/2021
Sáng 21-9, ghi nhận từ dư luận các tầng lớp nhân dân cho thấy sự đồng tình với quyết định mới của thành phố; tin tưởng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành phòng, chống dịch của người dân, Hà Nội sẽ bảo đảm công tác an sinh xã hội, nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và giữ cho Thủ đô an toàn trước dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Nguyên, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ:
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế
Tôi thấy nội dung của Chỉ thị 22 đã đề cao việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế, như việc tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động lưu thông hàng hóa, di chuyển của người dân... Thành phố cũng đã yêu cầu các địa phương không được quy định thêm các thủ tục cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và phục vụ sản xuất; tránh ùn tắc giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phân luồng từ trước, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Gia đình tôi mấy đời đều sống bằng nghề bán xôi. Chấp hành nghiêm quy định giãn cách xã hội, gia đình tôi đã nghỉ bán hàng gần 2 tháng nay, chỉ ra ngoài khi có việc thực sự cần thiết. Việc tạm dừng mọi hoạt động buôn bán cũng đồng nghĩa với việc gia đình tôi bị mất nguồn thu nhập, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Nay thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, những người buôn bán nhỏ như chúng tôi sẽ có điều kiện được tiếp tục làm việc, bán hàng mang về, có thu nhập để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, dù mọi người trong gia đình tôi đủ điều kiện đều đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhưng chúng tôi vẫn luôn ý thức tuân thủ 5K và tăng cường nhắc nhở khách hàng thực hiện đúng các quy định phòng dịch.
Anh Nguyễn Hạ Vê, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa:
Phấn khởi trước những tín hiệu lạc quan của cuộc sống bình thường mới
Tôi rất phấn khởi và đồng tình với những nội dung Chỉ thị 22 của UBND thành phố. Thành phố đã chỉ đạo rất rõ, đó là các địa phương phải tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đối với từng hộ dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời rà soát, lập danh sách người có bệnh nền, xác định vị trí các khu vực có nguy cơ cao để kịp thời có các phương án phong tỏa, cách ly hoặc các biện pháp cấp bách khi tình huống xuất hiện các ca nhiễm; khẩn trương truy vết, cách ly, xét nghiệm để thu hẹp khu vực phong tỏa, đảm bảo quy mô nhỏ, quản lý chặt; duy trì yêu cầu xét nghiệm 2-3 ngày/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, rất cao và tầm soát tại các khu vực có nguy cơ trên địa bàn.
Việc các quận, huyện, thị xã kiểm soát được dịch Covid-19 thông báo nới lỏng một số hoạt động dịch vụ sản xuất, kinh doanh như văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập, bán đồ ăn mang về… khiến người dân rất phấn khởi trước những tín hiệu lạc quan của cuộc sống bình thường mới.
Việc nới lỏng các hoạt động kinh doanh vào thời điểm này là hợp lý nhằm bảo đảm mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Trải qua 4 đợt chống dịch, người dân đã ý thức hơn trong việc thực hiện quy định “5K” nhằm chung sức cùng thành phố kiểm soát dịch Covid-19 tốt hơn, bền vững hơn.
Bà Hoàng Thị Bích Liên, Bí thư Chi bộ cụm dân cư số 7, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa:
Chung tay với thành phố khống chế, không để dịch bệnh bùng phát trở lại
Chúng tôi rất phấn khởi trước việc thành phố nới lỏng giãn cách và không áp dụng quy định phân vùng, không kiểm soát giấy đi đường với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp di chuyển trong địa bàn thành phố. Tuy nhiên, để giữ vững thành quả đạt được, thành phố cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch và quản lý giám sát di biến động trên địa bàn.
Tổ dân phố số 8 và số 9, thuộc cụm dân cư số 7 của chúng tôi gồm 350 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này, ngoài vài trường hợp F1, toàn cụm không ghi nhận trường hợp F0. Trong suốt thời gian gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND thành phố, các cấp chính quyền và cán bộ cơ sở luôn làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch và an sinh xã hội.
Là Bí thư Chi bộ, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của phường, thường xuyên có mặt tại các chốt kiểm dịch “vùng xanh”, tôi nhận thấy ý thức của người dân rất tốt, luôn tuân thủ đúng các quy định về phòng, chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc. Hiện nay, tuy các ca F0 vẫn còn xuất hiện, song về cơ bản thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh, những người đủ điều kiện đã được tiêm vắc xin...
Do đó, việc thành phố nới lỏng giãn cách xã hội vào thời điểm hiện nay là phù hợp; giúp người dân dần ổn định cuộc sống và giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, mỗi người dân vẫn cần tuân thủ chặt chẽ quy tắc 5K, cùng chung tay với thành phố khống chế, không để dịch bệnh bùng phát trở lại.
Anh Nguyễn Quang Tuấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân:
Chỉ một chút lơ là của cá nhân sẽ ảnh hưởng tới cả một khu phố, một địa bàn
Thực hiện khu dân cư tự quản bảo vệ “vùng xanh an toàn”, ngõ phố tôi ở đã lập phương án phân công người dân, mỗi nhà tham gia chốt trực luân phiên một ngày trong tuần. Thời gian trực chốt, tôi nhận thấy, bên cạnh những người dân chấp hành tốt quy định giãn cách, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, nhưng vẫn còn nhiều người viện lý do để tìm cách ra ngoài đường khiến các thành viên trực chốt vất vả phân tích, tuyên truyền, vận động.
Cuộc chiến Covid-19 kéo dài đã cho mọi người nhiều bài học, chỉ một chút lơ là của cá nhân sẽ ảnh hưởng tới cả một khu phố, một địa bàn. Nên tôi mong rằng, dù thành phố có nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, mọi người vẫn nên hạn chế tối đa việc đi lại vào thời điểm này để bảo vệ chính mình, bảo vệ gia đình, người thân và tạo điều kiện cho chính quyền sớm kiểm soát được dịch bệnh. Điều này cũng được nêu rất rõ trong Chỉ thị 22 của thành phố, đó là tiếp tục duy trì hoạt động các “pháo đài” chống dịch tại từng xã, phường, thị trấn, lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của toàn hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn; duy trì các chốt tự quản “vùng xanh” tại các thôn, xóm, làng, tổ dân phố, khu dân cư để kiểm soát di biến động của người dân.
Ông Trần Văn Hưng, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố Phúc Lý 2, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm:
Tiếp tục thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch, bảo vệ thành quả đạt được
Trong gần 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, nhất là trong đợt dịch thứ 4 này, Hà Nội đều tích cực, chủ động xây dựng phương án ứng phó kịp thời, từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Trực tiếp tham gia tổ Covid-19 cộng đồng, thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ trực chốt hằng ngày, tôi nhận thấy hầu hết người dân đều ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, tự giác tuân thủ các quy tắc phòng dịch của Bộ Y tế cũng như những quy định của chính quyền.
Để chủ động kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh, tôi rất đồng tình với nội dung Chỉ thị 22 của UBND thành phố. Tuy nhiên theo tôi, nới lỏng nhưng không được lơi lỏng. Tất cả người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch, để bảo vệ thành quả chống dịch suốt thời gian qua, giúp kiểm soát được dịch bệnh, đưa toàn xã hội bước sang giai đoạn bình thường mới.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.