Nỗ lực đúng hẹn các công trình lưới điện quốc gia
Kinh tế - Ngày đăng : 07:37, 12/01/2023
Vào 9h12 ngày 30-12-2022, dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân và đường dây 500kV đấu nối Trạm biến áp 500kV Thuận Nam vào đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân đã đóng điện thông tuyến. Đây không chỉ là tin vui với người dân vùng duyên hải Nam Trung Bộ mà còn với cả ngành Điện lực. Bởi đây là những công trình cấp bách, phải hoàn thành trong tháng 12-2022. Nếu dự án chậm tiến độ, mỗi ngày Việt Nam phải bồi thường 1 triệu USD. Nếu chậm tiến độ 6 tháng, số tiền phải bồi thường lên tới khoảng 5.000 tỷ đồng...
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung Nguyễn Đức Tuyển, quá trình thi công dự án gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi dịch Covid-19 bùng phát rộng khắp cả nước trong năm 2021. Cùng với đó, 2 mùa mưa kéo dài khoảng 3 tháng, ảnh hưởng đến thi công; đặc biệt, giá nguyên, vật liệu sắt thép, xăng dầu, nhân công tăng mạnh gây nhiều áp lực cho chủ đầu tư và nhà thầu.
Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung đã thành lập Ban Điều hành và 4 ban tiền phương tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận để điều hành; thường trực trên công trình để kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ dự án. Cùng với sự hỗ trợ từ địa phương, sự nỗ lực của tất cả các vị trí, dự án đã về đích đúng hẹn.
Tương tự như vậy, với dự án đường dây 220kV Bắc Giang - Lạng Sơn, tổng vốn đầu tư hơn 816,4 tỷ đồng, quy mô xây dựng mới đường dây 220kV chiều dài tuyến 101,6km, nhằm tiếp nhận một phần công suất từ Nhà máy thủy điện Nho Quế, tăng cường công suất cho phụ tải tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và khu vực lân cận, đã được đóng điện ngày cuối cùng của năm 2022.
Chia sẻ về thành công này, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (đại diện chủ đầu tư, quản lý dự án) Nguyễn Văn Tình bày tỏ: “Anh em công trường, nhà thầu và Ban Quản lý dự án như “trút được gánh nặng”. Bởi dự án gặp quá nhiều thách thức nhưng vẫn về đích đúng hẹn đã tạo mối liên kết lưới truyền tải trong khu vực; tăng cường độ an toàn, tin cậy và khả năng cung cấp điện cho khu vực miền Bắc...”.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều nỗ lực mà những người làm công tác truyền tải điện thực hiện trong năm qua. Thông tin về điều này, Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú cho biết, kết thúc năm 2022, tổng công ty đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.
Cụ thể, khởi công được 28 dự án, trong đó có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và bảo đảm cung cấp điện như đường dây 500kV đấu nối Trạm biến áp 500kV Thuận Nam vào đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, Trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên, nâng công suất Trạm biến áp 500kV Sông Mây; các đường dây 220kV Ninh Phước - Thuận Nam, Thạnh Mỹ - Duy Xuyên.
Tổng công ty cũng đã đóng điện được 42 dự án quan trọng. Năm 2022, EVNNPT đã vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định, góp phần cùng EVN bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với sản lượng điện truyền tải đạt 211,47 tỷ kWh, đạt 98% kế hoạch tập đoàn giao, tăng 5,28% so với năm 2021. Tổn thất điện năng năm 2022 thực hiện đạt 2,54%.
Bước vào năm mới 2023, trên cơ sở những thành công đạt được, bám sát chủ đề năm là “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, EVNNPT đặt ra chỉ tiêu sản lượng điện truyền tải khoảng 217,8 tỷ kWh, tăng 2,97% so với thực hiện năm 2022; phấn đấu khởi công 35 dự án, hoàn thành và đưa vào vận hành 44 dự án.
Nhấn mạnh thêm về điều này, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành yêu cầu, EVNNPT tiếp tục xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn, linh hoạt, liên tục lưới truyền tải, lúc nào cũng sẵn sàng chế độ vận hành trước dự báo sẽ có nhiều khó khăn về phụ tải ở các vùng miền, đặc biệt là mùa khô năm 2023. Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải...