Hoàn thành toàn bộ nội dung kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI

Chính trị - Ngày đăng : 09:20, 23/09/2021

(HNMO) - Sáng 23-9, HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ hai trong kỳ họp thứ hai để xem xét, quyết định các nội dung theo chương trình và bế mạc kỳ họp. Kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hội trường HĐND - UBND thành phố.

Quang cảnh kỳ họp.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố...

Mở đầu buổi làm việc, HĐND thành phố đã xem xét về việc bảo đảm chế độ chính sách và phân cấp nhiệm vụ chi thực hiện Luật Dân quân tự vệ trên địa bàn thành phố; xem xét về việc bố trí nhân viên chăn nuôi thú y các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố; xem xét về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố...

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, thống kê đến năm 2020, thành phố có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư (trong đó có 34 khu có diện tích đất từ 2ha trở lên và 42 khu có diện tích đất dưới 2ha) và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954 (hiện đang tiếp tục rà soát tại các quận cập nhật vào danh mục dự kiến bổ sung); hầu hết các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng. Qua quá trình sử dụng, sửa chữa cơi nới tự phát, chung cư cũ và hạ tầng kèm theo đã bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân.

Quá trình triển khai rà soát, đánh giá toàn bộ các chung cư cũ theo các mức tình trạng kỹ thuật để lựa chọn kiểm định đối với chung cư cũ có dấu hiệu nguy hiểm cấp độ D; kết quả rà soát có 42 chung cư mức 1, có 1.449 chung cư mức 2, có 88 chung cư mức 3, có 25 nhà còn lại đã được cải tạo, sửa chữa bảo đảm an toàn cho người sử dụng; đã tổ chức kiểm định 401 chung cư (gồm cấp B có 148 chung cư; cấp C có 245 chung cư, cấp D có 8 chung cư, trong đó có 2 nhà cấp D đã hoàn thành cải tạo, xây dựng lại và đưa vào sử dụng là C1 Thành Công và B6 Giảng Võ).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ trình bày tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND thành phố về việc bố trí nhân viên chăn nuôi thú y các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội, bố trí mỗi xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội 1 nhân viên chăn nuôi, thú y. Nhân viên chăn nuôi thú y cấp xã do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội quản lý, sử dụng.

Nhân viên chăn nuôi thú y tại các xã, phường, thị trấn (vùng được phép chăn nuôi) hưởng mức phụ cấp hằng tháng theo hệ số 1,86 so với mức lương cơ sở. Nhân viên chăn nuôi thú y tại các xã, phường, thị trấn (vùng không được phép chăn nuôi) hưởng mức phụ cấp hằng tháng theo hệ số 1,44 so với mức lương cơ sở. Nhân viên chăn nuôi thú y cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng và hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định.

Kinh phí thực hiện đối với nhân viên chăn nuôi thú y cấp xã tương ứng với số lượng đơn vị hành chính cấp xã: 579 xã, phường, thị trấn (trong đó: 403 xã, phường, thị trấn thuộc vùng được phép chăn nuôi, 176 xã, phường, thị trấn thuộc vùng không được phép chăn nuôi).

Để bố trí nhân viên chăn nuôi thú y cấp xã (bao gồm vùng được phép chăn nuôi và vùng không được phép chăn nuôi), kinh phí chi phụ cấp và khoản theo phụ cấp hằng năm đối với 579 xã, phường, thị trấn là gần 19,7 tỷ đồng.

Phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu tăng trưởng

Sau khi Chủ tọa kỳ họp báo cáo, tổng hợp tóm tắt các ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã báo cáo, tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu HĐND thành phố quan tâm.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại kỳ họp.

Theo Chủ tịch UBND thành phố, 8 tháng của năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng kinh tế - xã hội Thủ đô vẫn đạt được kết quả tích cực, một số mục tiêu, chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn, thách thức rất lớn do tác động của đại dịch Covid-19, bám sát định hướng và chỉ đạo của Trung ương, sự hỗ trợ kịp thời của các tỉnh bạn vào một số thời điểm quan trọng, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là sự ủng hộ của nhân dân Thủ đô và hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, thành phố đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh.

“Những thành công bước đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 là tiền đề để thành phố triển khai các quyết sách nhằm phục hồi kinh tế, quyết tâm hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2021, đồng thời góp phần tạo nên những kết quả tích cực trong bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội Thủ đô 8 tháng của năm 2021”, đồng chí Chu Ngọc Anh cho biết.

Để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu tăng trưởng năm 2021, theo Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, thành phố sẽ xây dựng các kịch bản cụ thể trên cơ sở rà soát khả năng, nguồn lực phát triển từng lĩnh vực; phân công nhiệm vụ đến từng ngành, đơn vị để triển khai thực hiện; phấn đấu thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; điều hành thu - chi ngân sách hiệu quả.

UBND thành phố đã xây dựng Kế hoạch điều hành kinh tế-xã hội theo 2 kịch bản trong quý III và quý IV, tuy nhiên sẽ phấn đấu đạt kịch bản cơ sở là: Quý IV năm 2021 đạt tăng trưởng 6,98% và cả năm 2021 đạt 4,54%. Cùng với những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về tín dụng, thuế, thị trường, nhân lực, kết nối cung cầu và tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính...

Thông qua các nghị quyết quan trọng để tổ chức thực hiện

Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp.

Tiếp đó, HĐND thành phố đã thông qua các nghị quyết: Tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thu - chi ngân sách 8 tháng năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm 4 tháng cuối năm 2021 của thành phố Hà Nội; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của thành phố Hà Nội; Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2021 và việc các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn thực hiện xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội.

Đáng chú ý, HĐND thành phố thông qua nghị quyết về: Phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố; điều chỉnh bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ năm 2021; Quy định nội dung chi, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố (gồm 6 mức chi); quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố; quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố Hà Nội năm học 2021-2022.

Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp.

Thông qua quy định mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô từ năm học 2021-2022; quy định mức hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của thành phố Hà Nội; chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19; quy định đối tượng và mức chuẩn trợ cấp xã hội của thành phố.

HĐND thành phố cũng đã thông qua quy định đối tượng và mức chuẩn trợ cấp xã hội của thành phố; việc bố trí nhân viên chăn nuôi thú y các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố; đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động, bảo đảm chế độ chính sách, phân cấp nhiệm vụ chi thực hiện Luật Dân quân tự vệ trên địa bàn thành phố; Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố; Chương trình giám sát năm 2022 của HĐND thành phố Hà Nội.

Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp.

Triển khai các nghị quyết đi vào cuộc sống

Sau các nội dung trên, kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra phiên bế mạc.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, HĐND thành phố đã xem xét, thảo luận và thông qua 15 báo cáo, 2 nghị quyết thường kỳ và 16 nghị quyết chuyên đề với tỷ lệ thống nhất cao. Đây là những cơ chế chính sách, cơ sở pháp lý để kịp thời giải quyết những vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Các nghị quyết được HĐND thành phố ban hành có vai trò quan trọng để triển khai, thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố năm 2021 cũng như của cả nhiệm kỳ.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu bế mạc kỳ họp.

Thay mặt HĐND thành phố, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND thành phố, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị chủ động triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, bài bản, thực chất, bảo đảm các nghị quyết đi vào cuộc sống với những kết quả và sản phẩm cụ thể vì sự phát triển của Thủ đô và cuộc sống bình yên, tốt đẹp của nhân dân.

Với những nhiệm vụ trước mắt, thành phố tiếp tục bám sát tình hình, triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, để vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, ưu tiên tập trung các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

UBND thành phố cùng các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát, triển khai các chính sách, cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn tặng hoa chúc mừng tân Ủy viên UBND thành phố Hà Nội Đỗ Đình Hồng.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, sau kỳ họp này, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo, rà soát đối với những nội dung còn tồn tại, hạn chế chậm triển khai, cần xây dựng lộ trình, kế hoạch chi tiết và phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương để tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm và hiệu quả. Thường trực HĐND thành phố cũng sẽ chỉ đạo sát sao việc giám sát chặt chẽ những nội dung đã kiến nghị kết luận nhưng chậm chuyển biến.

Tại kỳ họp, HĐND thành phố Hà Nội đã bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND thành phố đối với đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố.

Tuấn Việt - Phong Thu - Ảnh: Viết Thành