Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ủy ban Kinh tế về quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Chính trị - Ngày đăng : 19:14, 23/09/2021
Cùng dự cuộc làm việc có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực to lớn và quan trọng bậc nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, liên quan đến việc phân bổ dân cư, lao động, phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng, môi trường, quốc phòng và an ninh; liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Vì vậy, việc quản lý, sử dụng đất không thể chỉ tính cho hiện tại, mà còn phải tính cho cả tương lai; đồng thời, đất đai phải được phân bổ hợp lý với tầm nhìn dài hạn không chỉ 5 năm hay 10 năm, mà còn phải xa hơn nữa trong tiến trình phát triển của đất nước. Quy hoạch sử dụng đất phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và địa phương, tạo tính liên kết liên vùng, liên tỉnh và phải bảo đảm được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững.
Theo chương trình, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Dự kiến, nội dung này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp thứ tư (tháng 10-2021). Ngoài ra, tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực chuẩn bị của các cơ quan trong thời gian qua và nêu rõ, lãnh đạo Quốc hội làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế, xem xét, chủ động từ sớm, từ xa, có định hướng về nội dung, cách làm để cùng với Chính phủ chuẩn bị bản quy hoạch tốt nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo về một số nội dung quan tâm về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp quốc gia và cho biết, Thường trực Ủy ban đã chủ động làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để chuẩn bị cho việc thẩm tra quy hoạch này. Đầu tháng 9 vừa qua, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về quy hoạch, sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu tiếp thu một số ý kiến chuyên gia để tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Trên cơ sở báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế và gợi mở của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu đã tập trung thảo luận về mục tiêu, quan điểm đối với quy hoạch, các chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng các loại đất cụ thể; đồng thời, lưu ý về các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đang đặt ra những yêu cầu mới đối với quy hoạch sử dụng đất, trong đó, phải dành quỹ đất cho việc xây dựng các nhà máy, phát triển nông nghiệp theo chuỗi, phát triển nền kinh tế tuần hoàn để tạo công ăn việc làm cho người dân ngay tại địa phương, thực hiện hiệu quả chính sách “ly nông bất ly hương”. Đặc biệt, phải bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất; chấn chỉnh việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn tùy tiện, kém hiệu quả thời gian qua; công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất cho ngành, lĩnh vực phải sát với thực tiễn hơn nữa; ưu tiên dành quỹ đất cho việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hiện đại và hạn chế quy hoạch các bãi chôn lấp rác…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, hồ sơ Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chính phủ nỗ lực chuẩn bị khẩn trương, bài bản, công phu, sử dụng nhiều phương pháp mới, cơ bản bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn; Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa chuẩn bị cho việc thẩm tra quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Trong đó, cần bổ sung đánh giá kỹ lưỡng hơn về việc thực hiện quy hoạch giai đoạn trước, nhất là những tồn tại, hạn chế như: Việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, điều chỉnh còn tùy tiện, vấn đề các tỉnh, thành phố chậm trễ trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) ảnh hưởng đến công tác thu hồi đất, thu hút đầu tư, triển khai các dự án tại địa phương; cần đánh giá kỹ lưỡng hơn về công tác quản lý nhà nước trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; ứng dụng khoa học công nghệ nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu về đất đai bảo đảm tính đồng bộ, tích hợp, kết nối giữa các ngành, địa phương.
Cơ bản đồng tình với quan điểm của Chính phủ về lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung vai trò của đất đai đối với sự phát triển bền vững của đất nước, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia cũng như từng địa phương, hài hòa lợi ích của các bên. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm nguyên tắc gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn, chuyển đổi nông thôn mới sang đô thị; gắn giao thông với bố trí dân cư (mô hình TOD); gắn kết giữa yêu cầu công nghiệp hóa với nhu cầu đô thị hóa trên bình diện quốc gia và ở từng địa phương, thậm chí là từng dự án…
Mặt khác, theo quy định của Luật Quy hoạch hiện hành thì việc lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải căn cứ vào Quy hoạch tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt; nhiều quy hoạch ngành cũng đang được bộ, ngành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, xử lý, bảo đảm tính tương thích, thống nhất và đồng bộ giữa các quy hoạch.
Đối với các chỉ tiêu cụ thể, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chỉ tiêu đất trồng lúa phải bám sát Kết luận số 81-KL/TƯ ngày 29-7-2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, hạn chế tối đa việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa ở những vùng có tiềm năng phát triển nông nghiệp. Rà soát kỹ lưỡng, có quy chế quản lý chặt chẽ, xác định khu vực cụ thể, công khai diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu, kém chất lượng ở từng địa phương, từng vùng để tránh tình trạng tùy tiện xác định rừng phòng hộ ít xung yếu để chuyển đổi sang rừng sản xuất, ảnh hưởng xấu đến môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.