Sản xuất công nghiệp Hà Nội: Nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:08, 25/09/2021
Nhịp sản xuất sôi động trở lại
Có mặt tại Cụm công nghiệp Phú Thị (huyện Gia Lâm) những ngày này sẽ cảm nhận rõ nhịp sản xuất đã sôi động trở lại. Nhiều doanh nghiệp đang tất bật hoàn thành đơn hàng, còn người lao động phấn khởi bởi có việc làm, thu nhập.
Anh Nguyễn Xuân Quang, công nhân Công ty TNHH Tân Trung Việt (huyện Gia Lâm) cho biết, để bảo đảm an toàn phòng dịch, thời gian qua, anh cũng như các công nhân khác sống tập trung tại một trường mầm non trên địa bàn huyện, hằng ngày được xe công ty đưa đón đến nơi làm việc. Sau khi Hà Nội điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, anh và đồng nghiệp rất vui vì có thể về nhà và quan trọng hơn là công ty phục hồi sản xuất, đồng nghĩa thu nhập của người lao động sẽ được cải thiện đáng kể...
Giám đốc Công ty TNHH Tân Trung Việt Mai Đức Trung thông tin, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí, chuyên cung cấp phụ tùng, thiết bị xe máy, xe đạp điện. Đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, doanh thu công ty sụt giảm khoảng 70% (chỉ đạt doanh thu 3 tỷ đồng/tháng). Bởi vậy, việc thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi, ổn định sản xuất. “Khi nhu cầu tăng lên thì chúng tôi sẽ có thêm đơn hàng. Và hiện nay, doanh nghiệp đã sẵn sàng vận hành 100% công suất, kêu gọi đủ số lượng công nhân đi làm trở lại”, ông Mai Đức Trung nói.
Tương tự, hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (huyện Gia Lâm) cũng đã nhộn nhịp hơn. Công ty chuyên sản xuất các loại đèn LED và linh kiện đèn cho ô tô, xe máy, sản phẩm điện tử; khuôn mẫu cho các nhà máy lắp ráp ô tô, xe máy của Nhật Bản tại Việt Nam… Trưởng phòng Hành chính Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam Đỗ Thanh Bình cho hay, toàn bộ hơn 2.400 công nhân đã trở lại sản xuất từ ngày 21-9. Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã khiến doanh thu của công ty sụt giảm tới 15% (khoảng 300 tỷ đồng). Bởi vậy, khi thành phố ban hành chỉ thị mới về công tác phòng, chống dịch, ban lãnh đạo cũng như người lao động hết sức vui mừng. “Cùng với việc tuân thủ triệt để các biện pháp phòng, chống dịch, chúng tôi sẽ tăng ca, làm việc cả ngày nghỉ để lấy lại đà sản xuất trong những tháng còn lại của năm 2021”, ông Đỗ Thanh Bình thông tin.
Trong khi đó, tuy chưa có thêm nhiều đơn hàng, song Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và sản xuất Minh Tâm (Cụm công nghiệp Dương Liễu, huyện Hoài Đức) Bùi Hữu Sửu vẫn hy vọng việc thành phố Hà Nội kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ giúp kích cầu, nâng sức tiêu thụ. Là đơn vị sản xuất ghế da cho ngành ô tô, đến nay, doanh nghiệp này đã kêu gọi 100% người lao động trở lại làm việc. Theo ông Bùi Hữu Sửu, đợt giãn cách xã hội vừa qua, công ty chỉ có khoảng 30% số công nhân đi làm.
Tuân thủ triệt để các biện pháp phòng dịch
Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn thành phố đã trở lại nhịp độ sản xuất như trước thời điểm giãn cách xã hội. Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn tiếp tục được duy trì, với tinh thần cảnh giác cao. Thực tế, trong tháng 7 và 8-2021, sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì vậy kiểm soát tốt dịch bệnh là chìa khóa để lấy lại đà tăng trưởng. Sở đã có văn bản hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất tại các địa phương triển khai biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn sản xuất. Trong đó, chú trọng cập nhật kế hoạch và các phương án xử trí khi có trường hợp mắc Covid-19…
Ở góc độ đơn vị sản xuất, Trưởng phòng Hành chính Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam Đỗ Thanh Bình cho biết, phòng, chống dịch vẫn là ưu tiên số một của công ty. Thời gian tới, công ty sẽ hoàn tất việc tiêm phòng vắc xin cho người lao động, quyết tâm giữ vững nhịp sản xuất trong những tháng còn lại của năm 2021.
Về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng thông tin, huyện yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất an toàn, như chia nhiều ca làm việc, sử dụng lao động đến từ “vùng xanh” an toàn Covid-19 và đã tiêm 1 mũi vắc xin trở lên; quản lý chặt di biến động của công nhân; thường xuyên giám sát chỗ ăn, ở; hỗ trợ tổ chức xét nghiệm Covid-19 định kỳ cho người lao động… Quan điểm của huyện là hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp khôi phục sản xuất an toàn.
Chủ trì giao ban trực tuyến giữa Sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội với sở chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã vào chiều 21-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Hà Minh Hải yêu cầu, các địa phương không được tăng thủ tục hành chính, hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; đồng thời cho biết, thành phố đã có dự thảo kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội